Cập nhật: 15:09 GMT - thứ sáu, 7 tháng 10, 2011 Khu vực Biển Đông tiềm tàng nhiều bất ổn Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, ông Phạm Bình Minh và ông Albert Del Rosario đã chủ trì cuộc họp trong một ngày thứ Sáu 07/10. Thông tấn xã Việt Nam tường thuật: "Về hợp tác biển và đại dương, hai bên đều nhất trí cho rằng đây là trụ cột trong quan hệ hai nước". Nhóm Công tác chung cấp chuyên viên về các vấn đề Biển và Đại dương giữa Việt Nam và Philippines đã có tới bảy vòng họp và hai nước cũng đã thành lập Ủy ban Hỗn hợp cấp Thứ trưởng Ngoại giao về Biển và Đại dương, với phiên họp đầu tiên sẽ diễn ra tại Manila trong thời gian tới. Hãng thông tấn nhà nước Việt Nam cũng cho biết thêm rằng "hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng ký tháng 10/2010". Theo thỏa thuận này, Việt Nam và Philippines sẽ xúc tiến đàm phán để ký kết hai thỏa thuận quan trọng về hợp tác an ninh-quốc phòng trên biển là Thỏa thuận về thiết lập đường dây thông tin và tăng cường liên lạc giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Cộng hòa Philippines; và Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Philippines. Tháng trước, lãnh đạo quân đội hai nước trong một cuộc gặp ở Hà Nội cũng đã thống nhất tăng cường hoạt động tuần tra chung trên biển. Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam và Đại tướng Eduardo San Lorenzo Oban, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, trong cuộc gặp hôm 28/09 tại Hà Nội đã nhất trí về việc thiết lập đường dây nóng cấp cao, chia sẻ thông tin tình báo, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giao lưu hải quân. Gần đây, Việt Nam đang có nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với các nước láng giềng trong bối cảnh gia tăng căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Trung Quốc, nước tuyên bố nắm chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần cảnh báo các nước Asean không nên kết bè cánh nhằm đối trọng nước này. Liên minh bảo vệ Biển ĐôngTrong khi đó, cũng có ý kiến nói các nước Asean nên thành lập một liên minh để bảo vệ Biển Đông. Mới đây, Asean đã thành lập nhóm chuyên viên nhằm soạn thảo Bản Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, có tính ràng buộc pháp lý chặt chẽ hơn so với Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên mà Asean đã ký với Trung Quốc hồi năm 2002 nhưng dường như không có mấy tác dụng. Giới quan sát nói tuy mang tính biểu tượng cao, việc soạn thảo Quy tắc ứng xử mà không có sự tham gia của Trung Quốc sẽ khó mà mang lại kết quả. Thời gian gần đây, Philippines tỏ ra mạnh bạo và ráo riết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển. Trong khi đó, Việt Nam tỏ thái độ dè dặt và kín đáo. Các cuộc biểu tình chống chính sách của Bắc Kinh tại Biển Đông ở trong nước đã bị chính quyền cố sức ngăn chặn. Manila nhiều lần kêu gọi Hà Nội cùng thắt chặt hợp tác, biến Biển Đông thành "vùng biển kết nối" các bên. Quan điểm của nhiều nhà bình luận Philippines là cho dù Biển Đông có thể gây ra nhiều sự hiểu lầm giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nó cũng có thể trở thành khu vực biển nối kết lợi ích giữa các bên. Thế nhưng, thực hiện việc này như thế nào lại là câu hỏi khó, khi trên thực tế các nước vẫn theo đuổi các dự án kinh tế riêng biệt của mình. Thêm vào đó, Trung Quốc vẫn duy trì chủ trương đàm phán song phương với các quốc gia liên quan, chứ không muốn thương thảo đa phương.
|