“Đường lưỡi bò” tiếp tục bị phản đối Giới nghiên cứu khẳng định yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ. Trong phiên trao đổi không chính thức vào ngày 16.10, các đại biểu đã thảo luận kỹ về yêu sách “đường lưỡi bò” gần như ôm trọn biển Đông của Trung Quốc và có nhiều ý kiến phản đối, vạch ra những điểm vô lý của nó. BBC dẫn lời một số học giả nhận định nếu Trung Quốc vẫn một mực dùng “đường lưỡi bò” để đánh dấu ranh giới biển thì nước này “sẽ trở thành địch thủ của nhiều quốc gia”. Đến 23 giờ ngày 17.10, bản đồ “đường lưỡi bò” vẫn nằm trên Google Maps tiếng Hoa - Ảnh: Chụp lại từ Google Maps tiếng Hoa
Sau thông tin Đài Loan có kế hoạch đưa tên lửa đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và quần đảo Đông Sa đang tranh chấp với Trung Quốc, Philippines cho rằng hành động này có thể gây lo ngại cho các bên trong khu vực. Tờ Inquirer ngày 16.10 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Zosimo Jesus Paredes nói các bên tham gia tranh chấp trên biển Đông không nên hành động đơn phương mà cần thông báo rõ ý định và đối thoại với nhau để tránh làm tình hình thêm căng thẳng. Trong một diễn biến khác, đúng theo kế hoạch, khoảng 3.000 lính thủy đánh bộ của Mỹ và Philippines ngày 17.10 bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 2 tuần gần Trường Sa, theo AP. Những tuyên truyền sai lệch Dù vấp phải nhiều phản đối nhưng lâu nay Trung Quốc vẫn tìm mọi cách tuyên truyền về “đường lưỡi bò” và nó đã xuất hiện trên những ấn phẩm được nhiều người biết đến như trên bản đồ của Google Maps bản tiếng Hoa mà Thanh Niên đã phản ánh. Theo thông tin từ một số trí thức người Việt ở nước ngoài, đã được Thanh Niên thẩm tra thì vẫn còn nhiều tài liệu đăng bản đồ “đường lưỡi bò” được lồng vào những bài viết khoa học không liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Trong đó, có một tài liệu khoa học được nhà xuất bản Elsevier của Hà Lan xuất bản vào năm 1981. Đây là bằng chứng cho thấy việc tuyên truyền “đường lưỡi bò” đã được thực hiện từ lâu. Hồi tháng 6, tờ Journal of Petroleum Science and Engineering cũng mắc sai lầm khi để “đường lưỡi bò” lọt vào một bài nghiên cứu đăng trên chuyên san này. Ngoài ra, 2 tên tuổi lớn của làng báo chí khoa học thế giới là chuyên sang Nature và tạp chí Science cũng đăng bài viết nghiên cứu của tác giả Trung Quốc có kèm bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước đây, Hội Địa lý quốc gia (NGS) ở Mỹ từng đăng bản đồ phương hại đến chủ quyền Việt Nam trên biển Đông. Với sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, các cơ quan chính quyền và người dân Việt Nam, NGS và Science đã có một số động thái sửa sai. Riêng Google Maps đến tối 17.10 vẫn chưa có thay đổi gì đối với tấm bản đồ sai lệch trên phiên bản tiếng Hoa.
Sau khi Báo Thanh Niên số ra ngày 17.10 đăng bài Google Maps cần gỡ bỏ “đường lưỡi bò”, nhiều bạn đọc đã có ý kiến đề nghị cần nhanh chóng lên tiếng mạnh để yêu sách phi lý này không còn hiện diện trên Google Maps: Đề nghị tất cả các bạn thanh niên Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cùng lên tiếng yêu cầu gỡ bỏ ngay đường chữ U khỏi bản đồ phiên bản tiếng Hoa của Google, bởi chúng vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. nguoiViet@yahoo.com Đây là một điều cực kỳ vô lý! Đường lưỡi bò không có một cơ sở pháp lý, lịch sử nào mà một công ty truyền thông uy tín như Google lại không biết. Đề nghị Báo Thanh Niên phát động một cuộc lấy ý kiến yêu cầu Google gỡ bỏ đường này trong bản tiếng Hoa. Trần Thành Trai (trai.tranthanh@gmail.com) Yêu cầu Google cần gỡ bỏ ngay bản đồ phi lý tiếp tay cho Trung quốc. Google đang tự làm xấu hình ảnh của mình trên thế giới. Dang Phuong (phuongdt.rd@vietsov.com.vn) Bấy lâu nay tôi sử dụng gmail và các phương tiện tìm kiếm trên mạng thông tin của Google; tôi đã trầm trồ và thán phục bởi sự tiện ích này. Nay tôi không khỏi buồn lòng. Tôi chờ đợi và mong Google Maps nhanh chóng gỡ bỏ "đường lưỡi bò" và xem như là một sự vô tình để không phụ lòng tin của nhiều người. Trương Văn Hải (vanhailmq@gmail.com)
|