Mỹ và TQ thảo luận tranh chấp Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Mỹ và TQ thảo luận tranh chấp Biển Đông
    Cập nhật: 11:01 GMT - thứ bảy, 19 tháng 11, 2011

    Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo gặp gỡ không chính thức tại Indonesia
    Các viên chức Mỹ ca ngợi thái độ của TQ về các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông sau các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mỹ, ông Barak Obama.

    Hai ông gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Indonesia.

    Một viên chức Mỹ miêu tả phản ứng của Trung Quốc là "có tính xây dựng".

    Cuộc gặp gỡ diễn ra sau khi có những tranh cãi giữa chính phủ Bắc Kinh và Washington về thương mại, tiền tệ và quyền lãnh thổ ở Biển Đông (Biển Nam Trung Hoa).

    Ông Obama đã tập trung vào việc thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ trong vùng vào thời điểm khi quyền lực của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

    Ông Obama đang thực hiện chuyến thăm chín ngày đến châu Á. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là sự kiện cuối cùng trong chuyến công du này.

    Hội nghị thượng đỉnh tập hợp các nhà lãnh đạo từ các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ và Nga.

    Không đứng về bên nào

    Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Tom Donilon, nói "cuộc họp không chính thức" giữa ông Obama và ông Ôn Gia Bảo tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế.

    Ông cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận "các vấn đề cụ thể xung quanh hoạt động kinh doanh" cũng như vấn đề kiểm soát tiền tệ Trung Quốc.

    Họ cũng nói về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

    Vùng biển này có tiềm năng có trữ lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn, và là một tuyến đường hàng hải quan trọng.

    Trung Quốc tuyên bố nhận chủ quyền toàn bộ vùng biển này, trong khi các nước khu vực Đông Nam Á nhận các khu vực trong vùng biển đó.

    Ông Donilon nói rằng Hoa Kỳ không có một quan điểm gì về chủ quyền, nhưng muốn thấy tuyến đường vận chuyển hàng hải này được mở cửa.

    "Chúng tôi không nhận chủ quyền, không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền, nhưng chúng tôi, trên phương diện là một quốc gia có sức mạnh hàng hải toàn cầu, thực sự quan tâm được thấy những nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi," ông nói.

    Hôm thứ Sáu, trong các nhận xét được đưa ra mà dường như nhắm tới Mỹ, ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo "các thế lực bên ngoài" không nên tham gia vào tranh chấp hàng hải.

    Philippines đã yêu cầu Mỹ phải bước vào giúp giải quyết tranh chấp, nhưng Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, nói rằng ASEAN và Trung Quốc có thể tự mình giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

    Hôm thứ Năm, ông Obama cam kết tăng cường sự tham gia của Mỹ và có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở vùng này, bao gồm cả việc triển khai Thủy quân lục chiến Mỹ đến Úc.

    Ông Donilon cho biết Hoa Kỳ đã "khá thẳng thắn với Trung Quốc về chiến lược của chúng tôi", và nêu rõ rằng chính phủ Mỹ quyết tâm đóng vai trò hiện diện tích cực trong vùng để giúp đảm bảo sự ổn định và hòa bình tại đây.

    Hôm thứ Bảy, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc tỏ ra hoài nghi và nói rằng Mỹ có nguy cơ mất bạn bè trong số các quốc gia châu Á Thái Bình Dương.

    "Nếu Hoa Kỳ vẫn giữ tâm lý Chiến tranh lạnh và tiếp tục tham gia với các quốc gia châu Á theo cách tự quyết đoán, tất sẽ phải gánh chịu phản ứng trong khu vực," giới truyền thông chính thức của Trung Quốc nói.




    Posted by bbc on November 19, 2011 at 21:08:20:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]