Trung Quốc phản đối Mỹ đưa quân đến Australia

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    hứ năm, 1/12/2011, 10:21 GMT+7
    Trung Quốc phản đối Mỹ đưa quân đến Australia

    Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong họp báo hôm qua. Ảnh: Xinhua.

    Bắc Kinh ra thông báo chính thức lên án việc Australia cho phép thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú, cho rằng hành động này phản ánh cách nghĩ của thời Chiến tranh Lạnh và đe dọa ổn định khu vực.
    > Mỹ - Trung và Đông Nam Á
    Bình luận của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng trên website của bộ đêm qua được đưa ra chỉ hai ngày sau khi quân đội Giải phóng Nhân dân kết thúc hai ngày huấn luyện chung về tìm kiếm cứu nạn với Quân đội Australia tại Thành Đô, Tứ Xuyên.

    "Các liên minh quân sự được tạo ra do lịch sử", phát ngôn viên Quốc phòng Geng Yansheng phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ hàng tháng tại Bắc Kinh. Theo The Australian, các phóng viên nước ngoài không được dự họp báo này.

    "Chúng tôi cho rằng mọi hành động nhằm củng cố hoặc mở rộng các liên minh quân sự là sản phẩm của cách tư duy Chiến tranh Lạnh, đi ngược lại xu thế hòa bình phát triển và hợp tác hiện nay".

    "Bất kỳ học thuyết quân sự nào nhằm kích động đối đầu, bảo vệ lợi ích của một bên trong khi hy sinh lợi ích của bên khác đều là cách nghĩ lạc hậu", ông Geng nói.

    Tuy lời lẽ của những tuyên bố này không mạnh mẽ như những ý kiến hay bình luận trên các tờ như Thời báo Hoàn cầu hay Nhân dân Nhật báo, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra phản ứng chính thức đối với việc Mỹ triển khai quân đội đến bắc Australia. Trước đó, một viên tướng Trung Quốc là Luo Yuan mô tả chiến lược của Mỹ với các đồng minh Australia và ở Đông Nam Á là nhằm "bao vây" Trung Quốc.

    Tuy nhiên tuyên bố phản đối chính thức của Trung Quốc không đi xa đến mức cho rằng việc Mỹ đưa quân đến khu vực có thể gây tổn hại quan hệ quân sự Trung - Mỹ, theo nhận xét của WSJ. Mối quan hệ này đã lạnh nhạt do Mỹ ngày càng lo ngại trước công cuộc hiện đại hóa quân đội cũng như thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước láng giềng. Hồi tháng 9, Bắc Kinh cũng giận dữ khi Mỹ quyết định nâng cấp phi đội chiến đấu cơ F-16 của đảo Đài Loan

    Đối với Australia, đây là lần thứ hai trong một thời gian ngắn, Bắc Kinh sử dụng thuật ngữ Chiến tranh Lạnh khi nói tới các vấn đề liên quan tới Australia. Tuần trước, báo chí Austrlia tố cáo Bắc Kinh dùng vệ tinh quan sát thương mại của nước này cho các mục đích quân sự. Đáp lại, đại sứ Trung Quốc tại Canberra Miao Miao bác bỏ bằng một văn bản có đoạn như sau: "Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, và bất kỳ hành động nào nhằm khơi lại những tàn dư của Chiến tranh Lạnh là đi ngược lại xu thế hiện nay".

    Trong chuyến công du dài ngày tới châu Á Thái Bình dương tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu với sự hiện diện của Thủ tướng Australia Julia Gillard, cho biết Mỹ sẽ đưa 2.500 thủy quân lục chiến tới thành phố Darwin. Washington đang hiện thực hóa chiến lược trở lại Thái Bình dương, trong khi Trung Quốc ngày càng khẳng định sức mạnh của một cường quốc. Quân đội, đặc biệt là hải quân Trung Quốc đã không ngừng được nâng cấp và hiện đại hóa. Điều này khiến một số quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

    Tại khu vực tây Thái bình dương, Trung Quốc có tranh chấp về biển đảo với Nhật Bản - đảo Điếu Ngư/Senkaku; và với các nước thuộc khối Đông Nam Á - quần đảo Hoàng sa, Trường Sa trên Biển Đông. Tuần này, Trung Quốc tuyên bố chạy thử tàu sân bay lần thứ hai, sau khi có cuộc tập trận vào cuối tháng 11 ở tây Thái bình dương.

    Thanh Mai


    Posted by VnExpress on December 01, 2011 at 00:55:29:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]