Chủ quyền lãnh hải thật sự trên biển phải là ngư dân

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 12.12.2011, 07:36 (GMT+7)
    Chủ quyền lãnh hải thật sự trên biển phải là ngư dân

    Ngày 11.12, đoàn công tác của phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết số 39-NQ/TW của bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại tỉnh Quảng Ngãi.

    Tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phất phới lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam mỗi khi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.


    Ngư dân còn nghèo

    Ông Lê Viết Chữ, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Thế mạnh của vùng Duyên hải miền Trung là biển, đảo, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trung ương cần có chính sách cụ thể hơn về phát triển kinh tế biển, đảo; riêng đối với huyện đảo Lý Sơn, Chính phủ cần sớm có cơ chế xây dựng địa phương này phát triển mạnh về kinh tế biển, vững về quốc phòng an ninh”.

    Quảng Ngãi có 28 xã ven biển, đảo, hàng ngàn ngư dân ở nơi đây đã hành nghề đánh bắt xa bờ ở Hoàng Sa, Trường Sa, tuy nhiên, hiện nay đời sống của ngư dân còn nghèo. “Do vậy, Nhà nước cần có chương trình riêng, áp dụng chính sách khó khăn ở khu vực miền núi cho các xã ven biển, đảo; tập trung đầu tư nguồn lực cho các tuyến đường ven biển vừa tạo động lực phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng”, ông Chữ đề nghị.

    Sau bảy năm thực hiện nghị quyết 39, ngành thuỷ sản phát triển đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Duyên hải miền Trung. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 5.680 tàu thuyền hoạt động trên biển, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, tuy nhiên, hầu hết các tàu thuyền đều bằng gỗ, công suất chưa đủ lớn, nên ngư dân gặp nhiều khó khăn khi hành nghề trên biển. Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng kiến nghị: “Chính phủ cần hiện đại hoá tàu thuyền cho ngư dân, vừa nâng cao hiệu quả đánh bắt thuỷ sản trên biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

    Theo thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn, từ sau năm 1975 đến nay, trung bình mỗi năm triều cường xâm thực, gây sạt lở mất khoảng 1 hecta của huyện đảo. Để Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế vững về quốc phòng, an ninh, huyện cần giải quyết cấp bách các vấn đề về nguồn điện, kè chống sạt lở, cảng cá, mở rộng vũng neo đậu tàu thuyền. Hiện nay, trạm điện chạy bằng dầu diesel ở đây chỉ phát điện khoảng 5 giờ/đêm, nhà máy nhiệt điện đã khởi công, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, giá thành hoạt động của nhà máy nhiệt điện này tương đương với kinh phí kéo cáp điện ra huyện đảo. “Tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Chính phủ cho kéo cáp điện từ đất liền ra đảo, vừa đảm bảo nguồn điện phát triển kinh tế bền vững, vừa không gây ô nhiễm môi trường. Các chuyên gia tính toán kinh phí kéo cáp ra đảo Lý Sơn khoảng 22 triệu USD (tương đương khoảng 400 tỉ đồng)”, bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng cho biết.

    Liên tục bị tàu “lạ” đâm chìm

    Đặc thù của vùng kinh tế Duyên hải miền Trung là kinh tế biển gắn liền với chủ quyền an ninh quốc gia. Do vậy, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ngãi thống nhất đề xuất Chính phủ quan tâm, hỗ trợ cho khu vực này. Tính đến giữa năm 2011, Quảng Ngãi đã có 190 tàu thuyền với hơn 2.150 ngư dân hành nghề đánh bắt bị phía nước ngoài bắt giữ. Gần đây, một số đối tượng ở các tỉnh: Tiền Giang, Kiên Giang, Bình Thuận, TP.HCM lừa đảo ngư dân Quảng Ngãi ra nước ngoài đánh bắt cá trái phép. Nhiều trường hợp ngư dân bị bắt phải chịu cảnh trắng tay khi trở về. Ngoài ra, tàu cá của Quảng Ngãi liên tiếp bị “tàu lạ” đâm chìm, gây khó khăn cho đời sống bà con ngư dân. Về vấn đề này, trung tướng Tô Lâm, thứ trưởng bộ Công an cho biết: “Chủ quyền lãnh hải quốc gia trên biển phải là ngư dân, bởi lẽ, hàng ngày họ có mặt thường xuyên trên biển Đông đánh bắt cá. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư để đảm bảo an toàn cho ngư dân hành nghề trên biển Đông”.

    “Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi cần gắn liền với an sinh xã hội, quan tâm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là huyện đảo Lý Sơn”, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Đoàn công tác đã thống nhất đưa vào đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế vững về an ninh, quốc phòng; ban hành cơ chế cho khu kinh tế Dung Quất; phân công sản xuất công nghiệp giữa các vùng; chú trọng đầu tư các đường ven biển, nâng cấp sân bay trung chuyển quốc tế Chu Lai; áp dụng cơ chế vùng đối với địa bàn khó khăn cho Quảng Ngãi.

    bài và ảnh: Minh Đức



    Posted by sgtt.vn on December 11, 2011 at 21:49:53:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]