Ngày 06.02.2012, 00:32 (GMT+7) SGTT.VN - Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tác giả Will Rogers trên trang báo Diplomat đặt vấn đề: Bắc Kinh có thể đặt cược sai về trữ lượng dầu tại Biển Đông và xem đây là lợi ích cốt lõi của họ. Trước sự đe doạ của Trung Quốc, Philippines sẽ cùng Mỹ tập trận bảo vệ giàn khoan. Tàu sân bay USS John C. Stennis hoạt động tại Biển Đông vào thời điểm cuối tháng 1.2012. Ảnh: AFP
Thực tế, Bắc Kinh đánh giá quá cao tầm quan trọng chiến lược của trữ lượng dầu và khí đốt tại Biển Đông. Điều này xuất phát từ nhu cầu năng lượng cao để phát triển kinh tế thành một cường quốc công nghiệp. Năm 2009, vượt qua Mỹ, Trung Quốc giành ngôi vị quốc gia tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới. Năm 2025, mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc được dự báo sẽ gấp đôi so với Mỹ. Để đảm bảo nguồn tài nguyên năng lượng cần thiết cho nền kinh tế, Bắc Kinh đang phát triển một loạt các nguồn năng lượng mới bao gồm năng lượng mặt trời. Tuy vậy, nguồn nhiên liệu hoá thạch vẫn là chủ đạo. So với các nguồn khai thác dầu tại Trung Đông, Trung Á chịu nhiều rủi ro vì phải quá cảnh các nước khác, Biển Đông được Bắc Kinh xem là một nguồn lợi an toàn hơn. Tuy nhiên, hoạch định của Bắc Kinh về dự trữ hydrocarbon tại Biển Đông có thể có sai sót và có khoảng cách đáng kể so với thực tế. Kết quả khảo sát địa chất của Mỹ tính toán rằng khu vực này có trữ lượng khoảng 28 tỉ thùng dầu – đủ để cung cấp cho thị trường dầu toàn cầu trong 11 tháng. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc lại ước tính rằng Biển Đông chứa gần 200 tỉ thùng dầu – đủ để đáp ứng lượng tiêu thụ dầu toàn cầu trong hơn sáu năm rưỡi. Các nhà phân tích cho rằng ước lượng của Trung Quốc là cực kỳ lạc quan. Và cũng vì sự lạc quan này mà Bắc Kinh không từ bỏ một chiêu thức nào để ngăn chặn nỗ lực khai thác dầu của các nước láng giềng có chủ quyền tại Biển Đông. Mỹ – Philippines tập trận bảo vệ giàn khoan Những tháng gần đây, Trung Quốc liên tục cảnh báo các công ty dầu khí nước ngoài (ExxonMobil, Shell và Chevron) muốn hợp tác với Philippines và Việt Nam để khai thác tại Biển Đông và không ngại gây ra những trò quấy nhiễu ngư dân nước ngoài trong khu vực biển đang tranh chấp. Tướng Juancho Sabban, lực lượng vũ trang Philippines, cho biết, những tàu giám sát Trung Quốc núp bóng tàu cá bị tịch thu trong hải phận Philippines thường được trang bị đầy đủ GPS, radio, máy nén khí giúp lặn biển sâu. Dự kiến trọng tâm của đợt tập trận Mỹ – Philippines trong mùa xuân 2012 là bảo vệ giàn khoan dầu. Một phái đoàn Philippines đã đến Washington vào cuối tháng 1.2012 để hội đàm về việc quân đội Mỹ tăng cường hỗ trợ nước này. Đô đốc Mỹ Jonathan Greenert, nhận định: “Biển Đông là khu vực quan trọng với Mỹ vì những tác động đến nền kinh tế và các tuyến giao thương của Mỹ”. Trong khi Philippines đang có những động thái xích lại gần phía Mỹ, Trung Quốc một mặt hứa hẹn kim ngạch thương mại với Philippines đang ở mốc 30 tỉ USD có thể tăng gấp đôi trong vài năm tới, một mặt lại đe doạ trừng phạt bằng vũ lực. Toàn cầu Thời báo (Trung Quốc) cảnh báo rằng “các nước nhỏ” trong khu vực nên ngừng thách thức lợi ích của Trung Quốc nếu không muốn “nghe tiếng gầm của đạn pháo”. Bá Nha (Diplomat, PRI.org)
|