Những lo ngại mới trên biển Đông Liên tục tuyên bố không gây hấn nhưng trên thực tế Trung Quốc vẫn không ngừng triển khai các hoạt động gây quan ngại trên biển Đông. Theo TTXVN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ngày 15.3 nêu rõ: “Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam” và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, Công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc mời thầu dầu khí 19 lô ở bắc biển Đông, trong đó có lô 65/24 cách đảo Cây (Tree Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 1 hải lý. Ngày 2.3, biên đội tàu hộ vệ 11 của Trung Quốc tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tờ China Daily dẫn lời quan chức Vương Nhu Long thuộc Ban Phát triển du lịch tỉnh Hải Nam cho hay Trung Quốc đang lập kế hoạch phát triển du lịch ở Hoàng Sa. Chưa hết, chính quyền tỉnh Hải Nam còn dự kiến tổ chức đua thuyền buồm từ Tam Á đến Hoàng Sa vào ngày 28.3… Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc Lưu Tứ Quý tuyên bố Bắc Kinh sẽ tăng cường tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa, theo Tân Hoa xã. Trung Quốc phô trương lực lượng tàu chiến tại Thanh Đảo - Ảnh: AFP Từ lập đặc khu hành chính… Phát biểu bên lề Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) mới đây, thiếu tướng La Viện, Giám đốc điều hành Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh nên thành lập lực lượng cảnh sát biển bán quân sự; triển khai thêm nhiều lực lượng đến các đảo đang tranh chấp; khuyến khích ngư dân và các công ty dầu khí bắt đầu hoạt động tại đây. Tờ PLA Daily của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn dẫn lời ông La kêu gọi thành lập đặc khu hành chính ở biển Đông. Ông này không phải là phát ngôn viên chính thức của chính quyền nhưng quan điểm của tướng La được đăng trên cơ quan ngôn luận của PLA cho thấy đây có thể là suy nghĩ chung của một bộ phận tướng lĩnh. Trung Quốc hiện chưa có lực lượng tuần tra bờ biển chính thức nhưng có ít nhất 6 bộ liên quan đến các công tác biển. Trong đó, khét tiếng nhất là lực lượng hải giám thuộc Cục Hải dương (Bộ Đất đai và Tài nguyên thiên nhiên) và ngư chính thuộc Cục Quản lý thủy sản (Bộ Nông nghiệp). Đây là 2 lực lượng tàu liên tục có các hành động gây lo ngại cho các bên ở biển Đông, biển Hoa Đông trong thời gian qua và thường xuyên được tăng cường tàu, máy bay trực thăng… Vậy mà báo China Daily còn dẫn lời nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Trần Minh Nghĩa chê hải giám và ngư chính “thiếu cứng rắn” và đề nghị lập thêm Bộ Các Đại dương. ... đến chia đôi Thái Bình Dương? Cũng trong năm nay, Bắc Kinh sẽ triển khai tàu thăm dò dầu khí nước sâu Ocean Oil 708, với khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m và khoan đến 600m dưới thềm biển, theo tờ nhật báo Dầu khí Trung Quốc. Giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này là Ocean Oil 981 cũng được triển khai đến vùng phía bắc của biển Đông, nhưng không rõ là nơi nào. Đến nay vẫn chưa có thông tin cụ thể là giàn 981 đã tới đâu, càng làm tăng lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các hoạt động của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp. Bên cạnh đó, nước này cũng không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự dù vẫn đưa ra các tuyên bố hòa bình. Mới đây, báo chí Trung Quốc dẫn lời giới chức cho hay tàu sân bay đầu tiên của nước này có thể sẽ được triển khai ở biển Đông từ ngày 1.8 dù mục đích chính hiện nay vẫn là “huấn luyện và nghiên cứu”. Vào đầu tháng 2, Hạm đội Nam Hải cũng tiến hành tập trận với tàu đổ bộ lớn Tỉnh Cương Sơn. Đó là chưa kể thông báo tăng ngân sách quốc phòng năm 2012 lên 106,4 tỉ USD. Trước sự quan ngại của nhiều phía cũng như việc Mỹ tỏ rõ ý định tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, tân Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh ngày 15.3 tiếp tục tuyên bố Bắc Kinh “chỉ muốn bảo vệ chủ quyền lãnh hải chứ không hề có ý định gây hấn với các quốc gia láng giềng”. AFP dẫn lời Đại sứ Mã nói thêm: “Thái Bình Dương đủ rộng để chứa cả Mỹ và Trung Quốc”. Giới quan sát nhận định các hành động và tuyên bố vừa qua một mặt tiếp nối chính sách và chiến lược lâu nay của Bắc Kinh trong khu vực. Mặt khác, chúng được đưa ra trong thời gian diễn ra 2 kỳ họp quan trọng ở Trung Quốc là Hội nghị Chính hiệp và họp Quốc hội cũng như trước Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10. Do đó, có thể mục đích còn nhằm gây thanh thế, tạo tiếng vang và khẳng định đường lối trước khi Trung Quốc có việc chuyển đổi thế hệ lãnh đạo cấp cao. Trung Quốc điều tàu đến Senkaku/Điếu Ngư Theo Tân Hoa xã, 2 tàu hải giám 50 và 66 của Trung Quốc ngày 16.3 đến tuần tra tại khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Tờ Japan Times thì dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết lực lượng tuần duyên nước này đã cảnh cáo các tàu trên, yêu cầu rời khỏi khu vực Tokyo khẳng định chủ quyền. Cùng ngày, giới công tố Tokyo truy tố vắng mặt thuyền trưởng Trung Quốc Chiêm Kỳ Hùng về tội điều khiển tàu cá đâm vào 2 tàu tuần tra của Nhật Bản gần Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9.2010, theo Kyodo News.
|