Vụ bắt ngư dân 'là cảnh cáo' Trung Quốc đã bắt 21 ngư dân và hai tàu cá Quảng Ngãi, QNg 66074 TS và QNg 66101 TS, khi các tàu này đang hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa hôm 3/3. Các bài liên quanVụ bắt tàu cá 'chưa phải lần cuối'TQ lại bắt tàu cá VN, đòi tiền chuộcTQ phản đối chư tăng VN ra Trường Sa Trong khi đó, tờ báo Trung Quốc Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia nước này, gọi vụ việc là “sự cảnh cáo”. ‘Cứng rắn hơn’ Tiến sĩ Đỗ Kế Phong, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Châu Á- Thái Bình Dương của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định “bằng cách giam giữ các ngư dân Việt Nam, Trung Quốc đang cảnh cáo những ai xâm phạm bất hợp pháp lãnh hải”. “Một số quốc gia có lập trường cứng rắn trong việc giải quyết các tranh chấp.” “Trong trường hợp này, nhượng bộ không còn có lợi cho Trung Quốc, vì thế chúng ta chứng kiến lập trường của Bắc Kinh trở nên cứng rắn hơn,” ông Đỗ nói. Ông này khuyên chính phủ Trung Quốc xem xét “các phương pháp mới” để đối phó với các nước liên quan tranh chấp. “Chúng ta có thể sử dụng các cách thức tiếp cập đa dạng tùy theo sự biến đổi của tình hình.” “Một lập trường thật cứng rắn, nhượng bộ, hay một chính sách cương nhu kết hợp theo kiểu ‘cây gậy và củ cà rốt’ cần luôn sẵn sàng để giải quyết tranh chấp,” ông Đỗ phát biểu trên tờ Hoàn cầu. "Một lập trường thật cứng rắn, nhượng bộ, hay một chính sách cương nhu kết hợp theo kiểu ‘cây gậy và củ cà rốt’ cần luôn sẵn sàng để giải quyết tranh chấp." Ông Đỗ Kế Phong Thay vào đó, tờ này chỉ dẫn lại lời một viên chức Việt Nam tường trình về vụ việc với hãng tin Pháp AFP. Không chính thức khẳng định, nhưng tờ báo dùng tin của AFP để đề cập tình tiết Trung Quốc đòi 70,000 nhân dân tệ tiền chuộc với gia đình các ngư dân đang bị giam. “Trong khi đó, các viên chức Việt Nam khuyến cáo gia đình này không nên trả tiền chuộc và yêu cầu Hà Nội tạo áp lực với Trung Quốc để thả người,” Hoàn cầu Thời báo viết. Theo tờ báo, Bộ ngoại giao Trung Quốc nói trên một kênh truyền hình rằng đang xem xét vụ việc chứ không cho biết chi tiết. Sức ép công luận? Tờ báo cũng “phân trần” rằng công dân mạng Trung Quốc đã đòi hỏi chính quyền phải cứng hơn để bảo vệ quyền lợi ngư dân Trung Quốc. Ông Lý Kiệt, từ Học viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, được dẫn lời nói “dư luận về Nam Hải có thể làm lung lay việc chính phủ giải quyết tranh chấp, nhưng chính sách đối với vấn đề này sẽ vẫn được điều chỉnh bằng sự cân bằng các lợi ích quốc gia”.
Theo Tân Hoa Xã, hạm đội Nam Hải thuộc Lực lượng hải giám nước này vừa hoàn thành chuyến tuần tra lần thứ ba nhằm “chấm dứt việc khai thác dầu khí bất hợp pháp”. Tân Hoa Xã nói hạm đội đã phát hiện ra 30 điểm khảo sát dầu khí “bất hợp pháp”. Tiến sĩ Đỗ Kế Phong ủng hộ ý kiến tuần tra thường xuyên, nhấn mạnh rằng các biện pháp này sẽ minh chứng thêm cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp. Tương tự, ông Lý Kiệt được dẫn lời: “Bên cạnh một chính sách đối ngoại trong các vấn đề tranh chấp, việc tuần tra thường xuyên sẽ giúp ngăn chặn nỗ lực của bất kỳ bên nào muốn xâm chiếm, và tránh được sự hiểu lầm của cộng đồng quốc tế.” Những ngày vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã đấu khẩu vì những diễn biến quanh quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Việc Việt Nam gửi chư tăng ra trụ trì các chùa ở quần đảo Trường Sa cũng bị Trung Quốc lên án là “thách thức chủ quyền”. 'Không ngạc nhiên' Trong khi đó, một chuyên gia từ Singapore, Robert Beckman, tỏ ra không ngạc nhiên trước cuộc khẩu chiến Việt – Trung những ngày qua. Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, nói với BBC Tiếng Việt rằng có thể đoán sẽ xảy ra những vụ thế này trong bối cảnh tranh chấp biển đảo. Tuy vậy, ông không nghĩ vụ bắt giữ các ngư dân sẽ là “điểm bước ngoặt” cho sự xấu đi trong quan hệ. “Hy vọng hai phía sẽ gặp nhau để tìm cách làm nguội tình hình,” ông nói. Vị chuyên gia này cũng “hy vọng sẽ không có những cuộc biểu tình tương tự mùa hè năm ngoái” ở Việt Nam. “Mặc dù các vụ vệc như thế khơi dậy cảm xúc trong dư luận, nhưng tranh chấp tốt nhất nên để các chuyên gia ở các cơ quan chính phủ giải quyết,” ông nhận định.
|