Campuchia không để Asean bàn Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Campuchia không để Asean bàn Biển Đông
    Cập nhật: 16:50 GMT - chủ nhật, 25 tháng 3, 2012

    Liệu Thủ tướng Hun Sen có giữ được vai trò trung lập trong tranh chấp Biển Đông?
    Campuchia sẽ không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Asean diễn ra vào đầu tháng Tư tới tại Phnom Penh.

    Thông báo quyết định này với các học giả đến Phnom Penh tham dự Hội thảo quốc tế nhân 10 năm ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hôm thứ Sáu 23/3, Chủ tịch Ủy ban luật pháp Quốc hội Campuchia Cheam Yeap giải thích lý do của quyết định này là ‘Campuchia là một nước trung lập’.

    Các bài liên quanẢnh hưởng của Việt Nam tại Campuchia?Campuchia ủng hộ lập trường TQTQ thăm dò dầu ngoài khơi Campuchia
    Chủ đề liên quanAsean, Tranh chấp lãnh thổ“Trên cơ sở lập trường của chúng tôi là đẩy mạnh hòa bình và phát triển kinh tế trong khu vực, Campuchia sẽ không đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự,” Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Cheam Yeap cho biết.

    Campuchia hiện đang là chủ tịch luân phiên của Asean trong năm nay nên có toàn quyền quyết định nội dung chương trình cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của khối sẽ diễn ra trong hai ngày 3 và 4 tháng 4.

    ‘Không ngại Trung Quốc’Tuy nhiên ông Cheam Yeap cũng thanh minh rằng việc loại Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Asean không có nghĩa là Campuchia thiếu tinh thần trách nhiệm.

    “Điều này không có nghĩa là Thủ tướng Hun Sen sẽ bỏ qua vấn đề Biển Đông,” ông nói và cho biết thêm rằng nước ông đang làm việc tích cực để thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

    Trước đó, Campuchia đã từng phản ứng lạnh nhạt với đề xuất của Mỹ muốn đưa các tranh chấp trên Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Asean – Mỹ hồi tháng 9 năm 2010.

    Ông Cheam Yeap cũng bác bỏ nghi ngờ cho rằng quyết định này của họ là do không muốn làm phật ý Bắc Kinh – nước đầu tư và viện trợ lớn cho họ trong những năm qua.

    “Chúng tôi không lo ngại về sự tức giận của Trung Quốc đối với chúng tôi… Chúng tôi chỉ tìm một cách trung lập để giải quyết vấn đề này,” ông phân bua.

    Đại diện Trung Quốc tại hội thảo quốc tế về DOC nói rằng nước này luôn ‘tôn trọng các quyết định của Asean bất luận đó là vấn đề gì.”

    Bà Nông Hạnh đến từ Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc giải thích rằng ‘có thể họ (Campuchia) có những vấn đề quan trọng hơn’ và cho biết việc có đưa Biển Đông vào chương trình nghị sự của Thượng đỉnh Asean hay không là tùy thuộc vào Campuchia.

    "Chúng tôi không lo ngại về sự tức giận của Trung Quốc đối với chúng tôi… Chúng tôi chỉ tìm một cách trung lập để giải quyết vấn đề này."

    Cheam Yeap, chủ tịch Ủy ban luật pháp Quốc hội Campuchia
    “Campuchia là Chủ tịch ASEAN trong năm nay, họ phải có chương trình riêng cho cộng đồng ASEAN để thảo luận,” bà Nông nói.

    Quyết định này của Campuchia diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ có chuyến thăm đến Phnom Penh vào tuần tới, theo tin từ Tân Hoa Xã.

    Chuyến thăm bốn ngày của ông Hồ diễn ra từ ngày 30/3 đến ngày 2/4 – tức là kết thúc ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Asean.

    ‘Người bạn tốt’
    Việt Nam đang tìm cách để Phnom Penh không ngả hẳn về phía Bắc Kinh
    Tân Hoa Xã dẫn lời ông Khieu Kanharith, bộ trưởng Thông tin và người phát ngôn của Chính phủ Campuchia trong cuộc phỏng vấn với báo chí Trung Quốc rằng nước ông ‘rất vui được đón tiếp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lần đầu tiên đến thăm Campuchia’.

    “Trung Quốc luôn đối xử với Campuchia như một người bạn bình đẳng mà không hề nghĩ rằng Campuchia là một nước nhỏ,” Bộ trưởng Kanharith nói.

    Ông Kanharith cũng bác bỏ cáo buộc của truyền thông phương tây rằng những khoản viện trợ và đầu tư khổng lồ của Trung Quốc dành cho Campuchia là để chi phối hoàn toàn kinh tế và chính trị nước này.

    Bộ trưởng thông tin Campuchia cho biết Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất cũng như là nước cho vay và viện trợ cho nước ông nhiều nhất mà ‘không bao giờ đi kèm với bất cứ điều kiện nào’.

    “Đầu tư của Trung Quốc ở đây là 8,8 tỷ đô la. Đây là số tiền đầu tư lớn nhất vào Campuchia. Với khoản đầu tư này, Campuchia có thể tái thiết cơ sở hạ tầng, có được độc lập chính trị và đóng vai trò thích hợp trên trường quốc tế,” ông nói với báo chí Trung Quốc.

    "Trung Quốc luôn đối xử với Campuchia như một người bạn bình đẳng mà không hề nghĩ rằng Campuchia là một nước nhỏ."

    Khieu Kanharith, bộ trưởng Thông tin Campuchia
    “Cho đến nay, mối quan hệ song phương của chúng tôi đã đạt đến mức độ đối tác chiến lược toàn diện,” ông nói.

    Ông Kanharith cũng trả lời các câu hỏi của báo chí Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.

    Ông nói với vai trò chủ tịch Asean trong năm nay, Campuchia sẽ làm hết sức mình để đóng vai trò là một nhà trung gian hòa giải trung lập trong các tranh chấp ở Biển Đông để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

    Ông cũng ca ngợi các chính sách đối ngoại của Trung Quốc ‘là nhân tố giúp cho tình hình châu Á ổn định.’

    Trước đó, báo chí Campuchia cũng tường thuật là trong buổi tiếp phái đoàn nhà báo nước này đến thăm Trung Quốc mới đây, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói rằng nước ông hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Asean tại Phnom Penh sắp tới sẽ tránh chủ đề Biển Đông.

    “Campuchia gần đây đã đóng vai trò then chốt trong việc điều phối các vấn đề trên Biển Đông,” báo chí Campuchia dẫn lời ông Lưu, “Campuchia cũng phản đối việc đưa vấn đề này ra bàn thảo tại Thượng đỉnh Asean.”

    Bị viện trợ chi phối?
    Campuchia có những động thái làm hài lòng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
    Trao đổi với BBC, nhà báo tự do Lý Đình Phát tại Phnom Penh cho biết chuyến đi sắp tới của ông Hồ Cẩm Đào cũng có mục đích là muốn Campuchia ngả về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

    Ông Phát cũng nói rằng mặc dù quan điểm từ trước đến giờ trong viện trợ kinh tế quân sự của Trung Quốc cho Campuchia thường không đặt điều kiện về nhân quyền như các nước phương tây nhưng ‘thật ra có điều kiện’.

    “Bắc Kinh muốn Phnom Penh ngả về phía họ trong các vấn đề quốc tế nhất là trong vấn đề Biển Đông,” ông nói.

    Theo như ông Phát quan sát thì bản thân Campuchia cũng có những tuyên bố không đồng nhất về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

    Ông Phát dẫn chứng với tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen vào tháng 5 năm 2011 khi tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc đột ngột tăng nhiệt là Campuchia xem Biển Đông thuộc lãnh hải không thể tranh cãi của Trung Quốc.

    Tuy nhiên, vào đầu năm nay khi Campuchia đang chuẩn bị cho các hội nghị quan trọng của khối Asean tại nước này thì Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh của họ lại phát biểu rằng đường lối của Campuchia là ủng hộ ‘tìm giải pháp hòa bình tránh xung đột ở Biển Đông,’ nhà báo Lý Đình Phát cho biết.

    "Campuchia cũng không dứt khoát ngả về phía Trung Quốc vì dù sao cũng là đồng minh lâu đời của Việt Nam. Đôi khi họ bị chi phối vì viện trợ của Trung Quốc hơi nhiều."

    Lý Đình Phát, nhà báo tự do tại Phnom Penh
    “Tôi nghĩ đã có những thương lượng, những tiếp xúc qua lại giữa Hà Nội với Phnom Penh,” ông giải thích.

    “Campuchia cũng không dứt khoát ngả về phía Trung Quốc vì dù sao cũng là đồng minh lâu đời của Việt Nam,” ông nói, “Đôi khi họ bị chi phối vì viện trợ của Trung Quốc hơi nhiều.”

    Ông Phát cũng giải thích lý do Trung Quốc đặc biệt ve vãn Campuchia vì vị trí ‘địa chính trị’ ở ngay sau Việt Nam và ở trong khối Asean nên có thể tạo thành một vành đai bao bọc và cô lập Việt Nam.



    Posted by BBC on March 26, 2012 at 03:51:52:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]