Thứ Bảy, 28/04/2012, 07:45 (GMT+7) TT - Cuộc tập trận “Vai kề vai” giữa Philippines và Mỹ trên biển Đông đã kết thúc ngày 27-4. Manila tuyên bố cuộc tập trận khẳng định quyết tâm chống “ngoại xâm” của Philippines. Cuộc tập trận “Vai kề vai” giữa Mỹ và Philippines được đánh giá là thành công Ảnh: Reuters
Trung tướng Duane Theissen, tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, đánh giá cuộc tập trận đã “thành công vang dội”. Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas nhấn mạnh cuộc tập trận một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp ước phòng thủ chung hai nước năm 1951. Nhờ Mỹ hỗ trợ hệ thống phòng thủ Theo AFP, ngày 30-4 Ngoại trưởng Albert del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin của Philippines sẽ họp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Washington. Ông del Rosario tiết lộ trong cuộc gặp này, Manila sẽ đề nghị Mỹ hỗ trợ xây dựng “một hệ thống phòng thủ đủ mạnh”, bởi “chúng tôi cũng muốn khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp ước phòng thủ chung”. Trước đó Mỹ đã hỗ trợ tàu chiến cho Philippines. Cuộc tập trận và cuộc hội đàm sắp tới tại Washington diễn ra trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng ở bãi cạn Scarborough. Trước đó, Manila đã đề nghị Bắc Kinh đưa cuộc tranh chấp ra tòa án quốc tế phân xử, nhưng Bắc Kinh đã từ chối. Tuy nhiên, theo báo Philippines Star, ngày 27-4 chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile vẫn yêu cầu các cơ quan nhà nước và chuyên gia luật hàng hải chuẩn bị kỹ để đưa vụ việc lên Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS). Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trước đó cũng nhấn mạnh các quốc gia quanh biển Đông có quyền đòi chủ quyền, nhưng “không có quyền khẳng định chủ quyền bằng hành động gây hấn, khiêu khích”. Phản ứng trước các động thái của Philippines, tờ Hoàn Cầu Thời Báo mới đây đã lớn tiếng đòi Bắc Kinh mở chiến tranh quy mô nhỏ để dằn mặt Manila. Hôm 26-4, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “lực lượng vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước”. Nhân thể, người phát ngôn này cũng tiết lộ hải quân sẽ tiếp tục cho chạy thử tàu sân bay Thi Lang sau những lần chạy thử “đạt kết quả khả quan” trước đó, song nhấn mạnh việc chạy thử không liên quan gì đến tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Trước đó, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh có thể đưa tàu Thi Lang đến biển Đông trong năm nay. Cuộc chiến giữa các tin tặc Cùng lúc, giữa Manila và Bắc Kinh lại diễn ra một cuộc chiến khác. Theo GMA News, các quan chức Philippines cho biết tin tặc Trung Quốc đã liên tục tấn công các trang web của chính quyền Philippines, làm tê liệt trang web của Bộ Ngân sách và quản lý cũng như của Đại học Philippines. “Các dấu vết cho thấy tất cả vụ tấn công đều xuất phát từ Trung Quốc” - người phát ngôn Chính phủ Philippines Roy Espiritu khẳng định. Tin tặc Philippines cũng đáp trả không kém dữ dội. AFP cho biết một số trang web của Trung Quốc đã bị tê liệt và trên giao diện hiện lên các thông điệp khẳng định bãi cạn Scarborough là thuộc về Philippines. Các quan chức Philippines khẳng định Manila không ủng hộ các cuộc tấn công trả đũa này. Còn người phát ngôn Espiritu kêu gọi tin tặc Philippines hãy “là người lớn hơn” và không gây thêm căng thẳng khiến xung đột leo thang. Trên báo Today Online, chuyên gia Patrick M. Cronin, giám đốc chương trình châu Á thuộc Trung tâm An ninh Mỹ, dự báo nếu Trung Quốc tiếp tục chính sách hiện tại ở biển Đông thì các cuộc đối đầu kiểu như ở bãi cạn Scarborough sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên. “Thái độ kiên định và cẩn trọng của Mỹ nhằm tìm kiếm sự hợp tác toàn khu vực về các quy định chung, được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự của Mỹ, là phương tiện tốt nhất để giữ biển Đông hòa bình” - chuyên gia Cronin khẳng định. SƠN HÀ Dự báo về diễn biến của những căng thẳng trên biển đang nóng lên ở châu Á, báo Le Monde dẫn lời nhà sử học Pháp Jean de Préneuf thuộc Đại học Lille-III cảnh báo: quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đang là một chủ đề gây quan tâm. Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân để đặt vai trò lãnh đạo khu vực của họ. Các nước láng giềng của họ nào chịu ngồi yên, cả dưới và trên mặt biển. Tình hình này giống với cuộc chạy đua vũ trang cho hải quân ở châu Âu trước năm 1914. Những thất bại nhục nhã của hải quân Trung Quốc trong lịch sử, nhất là ở cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất 1894-1895 hiện còn nóng hổi. Giáo sư Robert Frank, giảng dạy lịch sử các quan hệ quốc tế tại Đại học Paris-I, cũng cho rằng Trung Quốc sẽ còn lấn tới nữa nhưng sẽ không gây chiến, ngoại trừ việc sẽ gây ra một sự cố. Phương Tây không thể không can dự vào khi căng thẳng tiếp tục leo thang trên biển Đông. Đề cập đến việc Trung Quốc đang gay gắt khẳng định chủ quyền trên các vùng biển tại châu Á, Jean de Préneuf cho rằng vấn đề chủ quyền được đặt ra trước hết là vì các nguồn tài nguyên trên biển. Tại Đông Nam Á và trên biển Đông đang có sự bất đồng về phân chia các nguồn tài nguyên trên biển. Đây vừa là kiểm soát được con đường vận chuyển và lưu thông hàng hải chủ yếu, vừa là nắm giữ được việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực này. T.N.
|