Cập nhật 04/05/2012 06:42:53 AM (GMT+7 TQ triển khai giàn khoan khổng lồ ở Biển Đông
Theo đó, giàn khoan dầu khổng lồ, gọi là Ocean Oil 981 sẽ được sử dụng để khoan tại giếng Liwan 6-1-1, có độ sâu 1.500mm với thiết kế độ sâu của giếng là 2.371m. Thông tin này được đăng tải trên trang web của cơ quan trên. Thông tin đưa ra cho hay, hoạt động khoan dự kiến diễn ra trong 56,5 ngày. Ocean Oil 981 - giàn khoan mất 6 năm để xây dựng - được lai dắt tới phía đông của Biển Đông vào ngày 21/2 và khoan ở giếng Liuhua 29-2-1 trong hoạt động thử nghiệm.
Ảnh: Reuters Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sở hữu và điều hành giàn khoan biển sâu này. Ocean Oil 981 có thể hoạt động ở độ sâu 3.000m và khoan ở độ sâu 10.000m dưới biển. Công suất của giàn khoan này được mô tả là lớn hơn công suất của các giàn khoan dầu hiện tại tới 18 lần. "Chúng tôi luôn đi đầu khi cạnh tranh nguồn tài nguyên. Các nguồn tài nguyên không thể tái tạo được và cũng không vô hạn tại khu vực biển có tranh chấp", một quan chức đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và kinh tế của một trường đại học ở Trung Quốc từng nói với Thời báo Hoàn Cầu. “Các giàn khoan nước sâu sẽ được các tàu lớn di chuyển tới điểm hoạt động và sẽ giúp Trung Quốc có sự hiện diện đáng kể tại vùng Biển Đông hiện chưa được thăm dò”, vị quan chức này nhấn mạnh. Cơn khát năng lượng Theo giới phân tích, với sản lượng khai thác từ các giếng dầu trên bờ đang giậm chân tại chỗ và tiềm năng có hạn tại các vùng biển cạn sau 30 năm khai thác, Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng đứng đầu thế giới - cần tính đến các nguồn cung cấp khác, trong đó có mỏ dầu nước sâu. Tháng 2 năm trước, đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) cho hay, CNOOC có kế hoạch đầu tư 350 tỉ nhân dân tệ (54 tỉ USD) trong 5 năm tới để khai thác tài nguyên dầu và khí tự nhiên. Trong số này, CNOOC dự kiến dùng 20 tỉ nhân dân tệ để khai thác và phát triển dầu khí vùng nước sâu. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc thăm dò và khai thác ở Biển Đông trong tương lai gần”, giám đốc điều hành CNOOC Dương Hoa nói trong một cuộc họp báo về chiến lược kinh doanh của công ty khi đó. Trung Quốc từng cảnh báo các nước láng giềng châu Á ngừng tìm kiếm dầu ở gần quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, thậm chí còn thề sẽ khẳng định chủ quyền của mình với khu vực giàu tiềm năng dầu khí ở Biển Đông bất chấp chồng lấn chủ quyền với nhiều nước khác. Theo giới phân tích, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông được xem như một mũi tên bắn vào nhiều đích, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là muốn khẳng định chủ quyền 80% diện tích biển tại đây. Ngoài ra, nỗ lực thăm dò khai thác các tài nguyên biển, đặc biệt là năng lượng cũng là một mục tiêu quan trọng khi nền công nghiệp của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh. Hơn thế nữa, một giàn khoan khổng lồ đã đủ biểu trưng cho sức mạnh và ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc.Và như vậy, bất kỳ nỗ lực nào của lực lượng quân sự Đông Nam Á nhằm hạn chế hoạt động của giàn khoan khổng lồ ở Biển Đông cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ trả đũa từ Bắc Kinh. Thảm họa ô nhiễm dầu có thể xảy ra nếu giàn khoan tiến hành khoan hoặc sản xuất dầu trong khu vực kéo theo sự can thiệp của nước nào đó chịu tổn thất là chủ yếu bởi họ ở khoảng cách đối mặt với nguy cơ dầu tràn gần hơn nhiều so với Trung Quốc. Thái An (theo Reuters, BBC, AP, Japantimes)
|