Trung Quốc báo động cao tại bãi cạn tranh chấp

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Chủ nhật, 20/5/2012, 08:33 GMT+7
    Trung Quốc báo động cao tại bãi cạn tranh chấp

    Bắc Kinh tuyên bố đang duy trì "báo động cao" xung quanh bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough, sau sự việc một nhóm người dân Philippines dự định đi tàu ra đây biểu tình.
    >Trung Quốc ồ ạt đưa phương tiện 'khủng' ra biển Đông
    >Trung Quốc ngừng tour tới Philippines


    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh: Xinhua.

    Tuyên bố tình trạng "báo động cao" của Trung Quốc được đưa ra sau khi một nhóm người biểu tình Philippines dự định bơi thuyền ra bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, chính phủ Philippines kêu gọi người dân không nên tự ý ra bãi cạn nên chuyến đi đã dừng lại.

    "Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Philippines không nên có thêm những hành động thiếu trách nhiệm, đẩy căng thẳng lên đến những mức độ cao hơn", Xinhua dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu trong cuộc họp báo ngày 18/5.

    Ông Hồng cũng kêu gọi Philippines quay trở lại giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hãy đưa ra những thông điệp "rõ ràng và nhất quán" về vấn đề này.

    Trong khi đó, các nhà nghiên cứu về Đông Nam Á của Trung Quốc cho biết chuyến đi ra bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough, dù đã được hủy bỏ, vẫn là một hành động được coi là khiêu khích, chống lại Trung Quốc và nước này cần cẩn trọng với những hành động của Philippines.

    "Manila đã thấy được ảnh hưởng của những hành động gần đây và bắt đầu có những động thái tránh làm căng thẳng thêm tình hình. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần thận trọng với những kế hoạch của Manila để bảo đảm chủ quyền trong tranh chấp", ông Dương Bảo Quân, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói với China Daily.

    Trung Quốc tuyên bố bãi cạn Hoàng Nham/Scaborough thuộc chủ quyền của nước này từ hàng thế kỷ nay và Philippines chỉ vừa chính thức tuyên bố chủ quyền từ năm 1997. Trong khi đó, Philippines tuyên bố chủ quyền của mình tại bãi cạn nằm trong phạm vi 200 hải lý đặc quyền kinh tế và đề nghị đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển (Itlos), nhưng Trung Quốc từ chối tham gia.

    Căng thẳng bắt đầu leo thang xung quanh bãi đá kể trên từ ngày 8/4 sau khi quốc đảo Đông Nam Á phát hiện 8 tàu cá của Trung Quốc tại đây. Bắc Kinh và Manila sau đó liên tiếp có những sự điều động tàu hải quân và máy bay quanh bãi đá mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền. Các tàu chiến đấu đã rút đi nhưng tình hình tại đây vẫn chưa hết căng thẳng.

    Sau đó, Trung Quốc gây sức ép về kinh tế lên Philippines bằng cách chặn nguồn trái cây nhiệt đới gồm chuối, xoài... nhập khẩu từ Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc còn hủy hàng loạt tour sang quốc đảo và các chuyến bay từ Bắc Kinh đến Manila cũng bị cắt, gây tổn thất ít nhất 33,6 triệu USD cho nền kinh tế nước này.

    Trước tình hình trên, chính phủ Philippines cử hai đặc phái viên sang Trung Quốc để thúc đẩy sự trao đổi song phương và khẳng định rằng sẽ cố gắng để giảm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario kêu gọi người dân sẵn sàng đứng lên, bảo vệ chủ quyền của nước này tại bãi cạn cũng như vùng biển phía tây Philippines nếu bị thách thức và "chuẩn bị hy sinh" khi cần thiết.

    Người dân Philippines và các doanh nghiệp thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ trong vấn đề bãi cạn tranh chấp. Ông Del Rosario cho biết chưa hề nhận được lời phàn nàn nào từ các doanh nghiệp về việc bị rút đầu tư cũng như các sức ép kinh tế khác từ Trung Quốc.

    Vũ Hà



    Posted by vnexpress.net on May 20, 2012 at 20:41:43:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]