Lợi ích cốt lõi Trung Quốc sẽ mở rộng tới đâu?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ Sáu, 01/06/2012 - 11:49
    Lợi ích cốt lõi Trung Quốc sẽ mở rộng tới đâu?

    Việc không ngừng phô trương sức mạnh và đưa ra yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, cùng với thực tế ngân sách quốc phòng luôn tăng ở mức hai con số và hồ sơ nhân quyền không mấy “sáng sủa” của nước này đang rung lên những hồi chuông báo động trong khu vực.


    Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển. (Ảnh: Xinhua)

    Trung Quốc hiện tại có tranh chấp gay gắt với Philippines xung quanh bãi cạn Scarborough và với Nhật Bản về quần đảo Senkaku. Cả hai nơi này đều nằm xa bên ngoài vùng lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Thực tế là, sự mở rộng quá mức trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ngày nay khiến rất nhiều người châu Á lo lắng rằng, điều gì có thể đáp ứng nổi mong muốn của Trung Quốc để đảm bảo "các lợi ích cốt lõi" của họ.
    Nó sẽ là không có giới hạn, hay Trung Quốc ngày nay đang tự coi mình như một đại quốc phục hưng, khiến cả thế giới phải quỵ lụy?

    Cho đến thời điểm này, Trung Quốc chính thức tuyên bố Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là "những lợi ích cốt lõi" - cụm từ bao hàm sự khẳng định chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ mà không có chỗ cho việc thỏa hiệp. Giờ đây, Trung Quốc lại đang nỗ lực áp dụng cụm từ tương tự cho quần đảo Senkaku (mà họ gọi là Điếu Ngư) tại khu vực tranh chấp với Nhật Bản; và dường như với cả toàn bộ Biển Đông (mà trên thực tế một số quan chức quân sự Trung Quốc đã từng đề cập tới).

    Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở phía tây Okinawa thuộc biển Hoa Đông và hiện đang không có người ở, nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản từ thời chính phủ Minh Trị 1895. Trong một thời gian, ở đây thường có người dân đi làm việc tại một nhà máy chế biến cá ngừ. Năm 1969, Uỷ ban Kinh tế LHQ khu vực châu Á và Viễn Đông đã hoàn thành cuộc khảo sát đáy biển tại Hoa Đông và thông báo rằng, khả năng có sự hiện diện rất lớn của các tài nguyên khoáng sản đáy biển bao gồm cả những trữ lượng dầu và khí tự nhiên phong phú ở gần Senkaku/ Điếu Ngư. Hai năm sau dù Đài Loan và Trung Quốc có đưa ra tuyên bố chủ quyền với quần đảo này, nhưng quan điểm của chính phủ Nhật Bản là luôn luôn khẳng định chủ quyền với quần đảo.

    Tháng 4 vừa qua, Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, một người yêu nước nổi tiếng và có tài ăn nói, đã tuyên bố với chính quyền thành phố rằng, ông có kế hoạch mua bốn trong số các đảo tại Senkaku/ Điếu Ngư hiện tại nằm dưới sự sở hữu tư nhân của công dân Nhật. Số tiền quyên góp lấy tiền mua đảo từ người dân Nhật giờ đây đã vượt quá 700 triệu yên.
    Trung Quốc phản ứng với đề xuất của ông Ishihara bằng sự nhạy cảm thường ngày: họ từ chối lịch trình thăm viếng của con trai ông - người giờ đây là tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản - đảng đối lập chính ở nước này.

    Hơn thế nữa, tại một cuộc gặp ở Bắc Kinh đầu tháng này giữa Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ba bên với Hàn Quốc, ông Ôn đã đề cập tới phong trào độc lập ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư trong cùng một "hơi thở". Ông nhấn mạnh: ''Điều quan trọng là tôn trọng các lợi ích cốt lõi và những vấn đề quan tâm lớn của Trung Quốc".

    Cho đến thời điểm đó, chính phủ Trung Quốc chưa từng áp dụng cụm từ "lợi ích cốt lõi" với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Sau tuyên bố của ông Ôn, tình hình hội nghị thượng đỉnh ba bên đã xấu đi. Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có các cuộc hội đàm song phương với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, thì cuộc gặp giữa ông Noda và ông Hồ Cẩm Đào cũng như lịch trình gặp gỡ giữa Chủ tịch Keidanren (Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản) Hiromasa Yonekura và Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã bị hoãn lại. Tuyên bố chung về hội nghị thượng đỉnh đưa ra sau một ngày, và bỏ qua tất cả những gì liên quan tới Triều Tiên - mối quan tâm hàng đầu của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

    Cách cư xử có phần "cộc cằn" của Trung Quốc với lãnh đạo Nhật Bản có lẽ không chỉ là sự phản ứng chỉ với vấn đề quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư mà còn là chuyện Đại hội Uyghur Thế giới diễn ra ở Tokyo hồi tháng 5. Trước đây, các cuộc gặp như vậy được tổ chức ở Đức và Mỹ, và lần này, hội nghị với ưu tiên quan tâm là bảo vệ nhân quyền, bảo tồn các giá trị truyền thống, văn hóa và ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ đã không nhận được sự phản đối hay tán thàn chính thức từ chính phủ Nhật Bản.

    Nếu ngoại giao cộc cằn là biểu hiện duy nhất của yêu sách lãnh thổ đang không ngừng mở rộng của Trung Quốc, thì có lẽ các nhà ngoại giao châu Á có thể tĩnh dưỡng yên lành hơn. Nhưng thực tế là, hải quân Trung Quốc đang trở nên ngày một tích cực ở Biển Đông, ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư và đặc biệt là bãi cạn Scarborough, và còn cả xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với ngân sách quân sự luôn gia tăng ở mức hai con số, thì sự quả quyết trong khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc đã rung những hồi chuông báo động với các quốc gia khác ở Biển Đông.

    Hơn thế nữa, chuyện Trung Quốc "lấn lướt" Philippines không chỉ bao gồm việc điều hàng loạt tàu thuyền (trong đó có các tàu bán quân sự hiện đại nhất) ra bãi cạn Scarborough, mà còn là quyết định bất ngờ áp dụng hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của Philippines. Và phản ứng của Trung Quốc với Nhật Bản thậm chí còn hoang tưởng hơn.

    Vụ bê bối chính trị của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, sự chuyển giao quyền lực sắp diễn ra dự kiến vào cuối năm nay, vụ việc nhà hoạt động khiếm thị Trần Quang Thành... đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ hơn bình thường. Không một quan chức nào muốn thể hiện sự "mềm mại ôn hòa" về cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.

    Tới thời điểm này, Trung Quốc chưa có kiểu biểu tình lớn như thường diễn ra trong quá khứ với Nhật Bản và các nước khác, nhưng có lẽ nó cũng phản ánh thực tế rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khó có thể đảm bảo một cuộc biểu tình như thế sẽ không biến thành cuộc phản đối chính phủ.

    Lợi ích cốt lõi thực sự của Trung Quốc không nằm ở chuyện mở rộng lãnh thổ hay áp đặt bá quyền với các nước láng giềng. Nó nằm ở nỗ lực nâng cao nhân quyền và cải thiện phúc lợi cho chính người dân của họ, đây cũng là lợi ích cốt lõi của thế giới ở Trung Quốc. Nhưng chỉ khi Trung Quốc chấp nhận rằng, tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông cần phải được thảo luận đa phương, và các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á sẽ không cảm thấy bị đe dọa, nếu không "các lợi ích cốt lõi" mà Trung Quốc đang không ngừng mở rộng sẽ là gốc rễ của sự bất ổn ở Đông Á.

    Theo Nguyễn Huy
    Bangkokpost/Tuanvietnam


    Posted by dantri.com.vn on June 01, 2012 at 01:50:28:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]