Thứ Sáu, 01/06/2012 - 10:49 Hy vọng áp lực quốc tế sẽ là một yếu tố quyết định cho một khúc quanh mới trong việc giải quyết các tranh chấp trong vùng biển khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2011. Kể từ 28/5, ba khu trục hạm của hải quân Nhật Bản sẽ ghé cảng Manila trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày. Như vậy là sau Mỹ, Ấn Độ, đến lượt Nhật Bản cho chiến hạm ghé cảng Philippines. Ngày 23/5, tại phiên điều trần của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ nhằm thúc đẩy việc thông qua Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (Unclos), Ngoại trưởng Clinton khẳng định: "Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá những gì mà Unclos cho phép... Yêu sách đó là một sự xâm chiếm lãnh thổ đáng kể, thậm chí đến rất gần bờ biển của các quốc gia trong khu vực". Bà Ngoại trưởng cho rằng, việc Mỹ không phê chuẩn Unclos đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ dành cho đồng minh trong các tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc ngày càng quyết đoán Trong khi đó, ngày 28/5, tờ China Daily - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết, trong đó tuyên bố sẽ dùng vũ lực ở Biển Đông nếu thấy cần thiết. Trung Quốc đã thể hiện thái độ tức giận trước việc Philippines lôi bên thứ ba, cụ thể là Mỹ, vào cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Bài viết trên China Daily đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ và quyết liệt chỉ trích Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2011. Trong quá trình căng thẳng kéo dài gần 2 tháng qua giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, dư luận đang chứng kiến một Trung Quốc ngày càng cứng rắn. Ngày 10/5, tờ Nhật báo quân đội Trung Quốc đã công bố một bài luận chiến với tiêu đề khó có thể khiêu khích hơn: "Đừng cố lấy đi dù chỉ nửa tấc đất lãnh thổ của Trung Quốc!" Thật ra, theo Tạp chí The Economist của Anh quốc, rất ít người ở Trung Quốc nghi ngờ tính xác thực của các đòi hỏi của chính phủ nước họ về chủ quyền trên bãi Scarborough (hoặc Hoàng Nham đảo theo cách gọi của Trung Quốc), cũng như trên toàn bộ các hòn đảo nằm trong tấm bản đồ "chín đường gián đoạn". Bài báo này nhận định rằng, tinh thần dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đang bị kích động do cuộc tranh chấp với Philippines về chủ quyền trên bãi đá Scarborough ngoài Biển Đông. Nhưng căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines dường như đã không còn bó hẹp trong khuôn khổ song phương và vấn đề biển đảo. Mới đây, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tuyên bố: Washington phải ủng hộ các nước thành viên ASEAN trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Phát biểu hôm 14/5 tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế ở Washington, Thượng nghị sĩ McCain cho rằng Mỹ cần bảo đảm để Trung Quốc không thể "muốn làm gì thì làm" trong lúc các nước nhỏ hơn phải chịu tổn hại. Tâm chấn địa-chính trị chuyển về Biển Đông Tại cuộc hội thảo nói trên, Thượng nghị sĩ John McCain nhấn mạnh, Washington cần phải ủng hộ các nước đối tác trong ASEAN, để các nước này có thể hình thành một mặt trận thống nhất và thông qua đường lối đa phương nhằm giải quyết các vụ tranh chấp một cách hòa bình. Tuyên bố của nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ được đưa ra trong lúc tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines vẫn tiếp diễn ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham. Trong một chuyến thăm Việt Nam đầu 2012, ông McCain cũng từng đề cập tới vấn đề Biển Đông. Thượng nghị sĩ McCain mở đầu buổi họp báo tại Hà Nội: "Tinh hình căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông và những vấn đề khác, nhưng chúng tôi cho rằng phương pháp tiếp cận đa phương với Trung Quốc, cũng như là việc tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam sẽ giúp giải quyết những vấn đề này". Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman cùng đi với ông McCain thì cho rằng Việt Nam và Mỹ rõ ràng có những mối quan ngại chung về việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền thái quá đối với Biển Đông. "Đây là điều không chấp nhận được đối với cả Việt Nam và Mỹ!" Thượng nghị sĩ Lieberman khẳng định tiếp: "Ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi là đồng minh của Việt Nam và Philippines, vì chúng tôi không chấp nhận sự khẳng định chủ quyền của một cường quốc trên Biển Đông". Theo tin mới nhất, ngày 29/5 phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các học viên Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho rằng tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào việc đảm bảo an ninh khắp tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ông Panetta nói: "Mỹ là một quốc gia biển và chúng ta đang trở lại với nguồn cội hàng hải của mình". Tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi ông tới Singapore dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La). Ông lần lượt sẽ có các chuyến thăm chính thức Việt Nam và Ấn Độ sau cuộc họp đó. Hội nghị Shangri-La năm nay diễn ra từ 1 đến 3/6, với sự tham gia của đại diện tới từ 28 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương cùng với Anh, Pháp, Nga và Mỹ. Đây là lần thứ 11 Đối thoại Shangri-La được tổ chức. Chủ đề thảo luận của hội nghị gồm các chương trình hiện đại hóa quân sự, cân bằng lực lượng toàn cầu, cấu trúc an ninh khu vực, chống các mối đe dọa xuyên quốc gia, đối phó thảm họa thiên nhiên. Lần này, chắc rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông sẽ được nhấn mạnh. Bởi vì cọ xát trên Biển Đông ngày càng tích tụ nhiều dấu hiệu của sự cảm nhận từ cộng đồng quốc tế về tính cấp bách của một giải pháp đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, cũng như tự do hàng hải. Hy vọng áp lực quốc tế sẽ là một yếu tố quyết định cho một khúc quanh mới trong việc giải quyết các tranh chấp trong vùng biển khu vực. Cán cân Mỹ - Trung tại Đối thoại Shangri-La lần này sẽ giúp hình dung rõ hơn về trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trước những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
|