Thứ bảy, 2/6/2012, 15:32 GMT+7 Manila yêu cầu Bắc Kinh thực hiện những gì đã tuyên bố và không "gieo mầm mống căng thẳng", trong khi báo chí Trung Quốc nói rằng Philippines muốn đẩy Bắc Kinh đến chỗ công nhận "sự chiếm đóng trái phép". "Chúng tôi đã kiềm chế và thận trọng trong các tuyên bố của mình. Sẽ là tốt nếu phía Trung Quốc cũng giúp báo chí Trung Quốc... nhằm tránh gieo mầm mống căng thẳng không cần thiết giữa hai quốc gia", Lacierda phát biểu trên đài phát thanh dzRB do nhà nước quản lý Ông này nói rằng Philippines đã "thận trọng ngay từ đầu" để không leo thang căng thẳng ở Biển Đông, theo hãng tin GMA. Tàu ngư chính 310 của Trung Quốc, thường xuyên hoạt động trên Biển Đông và từng góp mặt trong thời gian tranh chấp vừa qua giữa nước này với Philippines ở Hoàng Nham/Scaborough. Ảnh: CNR Thế đối đầu của Trung Quốc và Philippines tại bãi đá không người ở trên Biển Đông mang tên Hoàng Nham/Scaborough bắt đầu từ cách đây hai tháng và vẫn chưa hề có dấu hiệu dịu bớt. Cả hai đều tuyên bố chủ quyền với bãi đá. Bài xã luận nói trên bị Manila phản bác bởi trong đó nói rằng sự bế tắc hiện nay là do chính phủ Philippines muốn dùng chiêu để đẩy Trung Quốc đến chỗ công nhận "sự chiếm đóng các đảo", trong đó có bãi cạn nói trên. Một bài viết trên cổng thông tin của chính phủ Trung Quốc hôm thứ tư cũng có nội dung kêu gội Philippines "thận trọng cả trong lời nói và hành động" nhằm giải quyết tranh chấp. Bài báo này dẫn lời tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quố,c cho hay ông đã kêu gọi điều này khi gặp người người đồng nhiệm Philippines, ông Voltaire Gazmin Hai vị Bộ trưởng có cuộc gặp tay đôi tại Phnom Penh, Campuchia hôm thứ hai, khi ông Gazmin tham dự Hội nghị bộ trưởng quốc phòng Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN), còn ông Lương đang ở thăm Campuchia. Theo báo chí Trung Quốc, ông Lương đề nghị Maniala có các bước đi thích hợp để duy trì hòa bình và ổn định khu vực, ưu tiên đại cục, "tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc". Báo chí Philippines thì dẫn lời Gazmin cho biết cả hai bên đồng ý sẽ kiềm chế trong việc giải quyết tranh chấp, đồng ý mở đường đối thoại để tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm một giải pháp thích hợp và hòa bình. Kể từ khi bế tắc xảy ra quanh tranh chấp chủ quyền Hoàng Nham/Scaborough, Trung Quốc và Philippines đã nhiều lần lời qua tiếng lại tố cáo lẫn nhau. Manila để nghị đưa tranh chấp ra tòa án trọng tài quốc tế nhưng Bắc Kinh không nhất trí. Ngoài bãi cạn trên, trên Biển Đông còn có nhiều đảo, quần đảo đang là đối tượng tranh chấp chủ quyền của nhiều nước. Các nước tuyên bố chủ quyền chồng lấn gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippinees, Malaysia và Brunei. Đảm bảo hòa bình và an toàn trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp là một trong những chủ đề quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 11 đang diễn ra ta Singapore từ hôm qua đến hết ngày mai. Hội nghị quy tụ các quan chức quốc phòng cấp cao, các học giả đến từ 28 nước trong khu vực châu Á Thái Bình dương. Thanh Mai
|