(Dân trí) – Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11 (Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 11) đã kết thúc tại Singapore sau 3 ngày thảo luận với việc các đại biểu đề cập đến hàng loạt vấn đề nóng của khu vực như sự can dự của các cường quốc, an ninh biển... Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta phát biểu tại hội nghị. Trong bài phát biểu tựa đề "Sự tái cân bằng của Mỹ hướng tới châu Á – Thái Bình Dương" tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Đối thoại Shangri-La 11, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã khẳng định cam kết của Washington trong việc tăng cường hòa bình và an ninh khu vực. “Phương pháp để hiện thực hóa mục tiêu dài hạn của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là cam kết thực hiện các nguyên tắc chung nhằm tăng cường hòa bình và an ninh ở khu vực”, Tướng Panetta cho biết. Cũng theo người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ, Washington ủng hộ mạnh mẽ quyết định tăng tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) từ 3 năm/lần lên thành 2 năm/lần, đồng thời nhấn mạnh các cơ chế hợp tác khu vực cần đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển. Bộ trưởng Mỹ cũng tái khẳng định ủng hộ đối với nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Bảo vệ tự do hàng hải cũng là chủ đề chính tại phiên họp toàn thể thứ 2 của hội nghị. Phát biểu tại phiên họp này, tuy tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau song các diễn giả đều có chung quan điểm cho rằng, để bảo vệ tự do hàng hải nói riêng và an ninh biển nói chung, nhất thiết không được sử dụng sức mạnh quân sự mà phải giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 ( UNCLOS) và các điều ước khu vực như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hay COC trong tương lai.
Cũng theo ông Watanabe, sự hợp tác giữa các nước trong khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện an ninh hàng hải. Tuy nhiên, chỉ riêng các khuôn khổ an ninh đa phương "sẽ không thể đảm bảo an ninh cho khu vực" và rằng Mỹ vẫn đóng một vai trò chủ chốt. "Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là sức mạnh hải quân, tạo ra một trụ cột quan trọng đối với an ninh và ổn định khu vực", ông nói.
Chính vì vậy, tại diễn đàn, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, đã có nhiều cuộc gặp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các đối tác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Australia, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU)... Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong một số lĩnh vực quốc phòng như đào tạo, công nghiệp quốc phòng… Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony nêu rõ tăng cường quan hệ với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ ủng hộ Ấn Độ trên các diễn đàn đa phương. Hai bên cũng nhất trí nỗ lực để tổ chức hiệu quả Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng tại Ấn Độ vào nửa cuối năm nay. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trân trọng chuyển lời của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng nước ta mời ông A.K Antony sang thăm Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã nhận lời. Trong các cuộc tiếp xúc khác, bên cạnh việc bàn thảo các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng, Đoàn Việt Nam và các nước cũng trao đổi quan điểm về tình hình an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, cũng như các cam kết khu vực mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết. Đồng tình với ý kiến của các nước, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh tất cả các nước phải có cách hiểu và luận giải giống nhau về luật pháp quốc tế. “Chúng ta thường nghe tới cụm từ ‘tiêu chuẩn kép’. Đó chính là hậu quả của việc hiểu và luận giải không giống nhau về luật pháp quốc tế”, Trưởng đoàn Việt Nam nói. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, “quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý phải được tôn trọng triệt để". Vì vậy, bên cạnh điều kiện tiên quyết không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, các nước cũng cần quán triệt tinh thần không sử dụng hay đe dọa sử dụng sức mạnh mềm như cô lập kinh tế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. “Tranh chấp chủ quyền trên biển cần được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan và công khai minh bạch trong môi trường quốc tế”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh. Đức Vũ
|