Tại sao Trung Quốc vẫn tỏ ra kiềm chế?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    TuanVietNam 8/6/2012 06:00
    Tại sao Trung Quốc vẫn tỏ ra kiềm chế?

    Chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 6 lần này – Đẩy mạnh thống nhất ASEAN vì một cộng đồng hài hòa và an ninh – dường như lại thể hiện hai thực tế không mấy dễ chịu: thống nhất và hài hòa với ASEAN là điều đang thiếu nhất vào thời điểm này, và thực sự thì không ai nghĩ hội nghị bộ trưởng lần này có thể tìm lại được hai điều đang thiếu ấy.

    Trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, một khối như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nên duy trì là một địa điểm tạo sự an tâm cho các nước thành viên. Tổ chức sẽ tạo cơ hội cho 10 nước thành viên - các chủ thể nhỏ và vừa trên trường địa chính trị - tạo dựng vị thế khi ứng xử với các cường quốc lớn hơn, và có tiếng nói đủ lớn để Bắc Kinh, Washington hay bất kỳ nơi nào khác phải lắng nghe những điều họ muốn nói.

    Nhưng trớ trêu thay, ASEAN lại chưa thể đóng một vai trò như vậy: Chủ nghĩa cá nhân nhanh chóng lấn át tinh thần tập thể mỗi khi có vấn đề tranh cãi nảy sinh.

    Cụ thể, ASEAN đang lúng túng trong vấn đề Trung Quốc. Hãy hỏi 10 nước về quan điểm của họ đối với Trung Quốc và bạn sẽ nhận được đẩy đủ các ý kiến khác nhau. Một số quốc gia ASEAN có thể nói là khá ủng hộ Trung Quốc: quá trình phát triển kinh tế của họ gắn liền với quá trình phát triển của Bắc Kinh và họ cảm thấy thoải mái với những ý chí chính trị trong các mối liên kết cùng Trung Quốc. Những nước khác thì thận trọng hơn trong quan hệ với Bắc Kinh: họ luôn duy trì sự cân bằng thận trọng giữa ảnh hưởng của Trung Quốc với những lợi ích rõ ràng của một mối quan hệ thương mại lành mạnh. Và cuối cùng, có những nước cảm thấy bị đe dọa bởi Trung Quốc và luôn tự coi mình là mục tiêu (hay ít nhất là đích nhắm tiềm tàng) của thái độ quyết liệt nơi Trung Quốc.


    Những nước thành viên cảm thấy mất an ninh nhất trước Trung Quốc cũng hy vọng ít nhất khối cũng nên thể hiện chút đoàn kết nào đó trong việc quản lý những tranh chấp lãnh hải của họ với Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhưng kết quả họ nhận được chẳng là gì cả. Kiến nghị của Philippine năm 2011 về việc thành lập một "Vùng hòa bình, tự do, hữu nghị và hợp tác ASEAN-Trung Quốc" trên Biển Đông không nhận được sự ủng hộ của các quốc gia ASEAN khác, ngoài Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ thực sự. Đa số các thành viên còn lại chủ trương tiếp cận song phương trong các tranh cãi với Trung Quốc: nói cách khác, họ cho rằng tốt hơn hết, họ nên không liên quan.

    Khi sự đối đầu giữa Trung Quốc và Philippine tại bãi Scarborough - một vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông - chuẩn bị bước sang tháng thứ ba, người ta vẫn hy vọng ngoại giao có thể mang đến một giải pháp cho vấn đề phức tạp này trong căng thẳng Trung Quốc - ASEAN. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng vừa qua vẫn được hy vọng tạo ra sự mở đầu. Quan trọng hơn, các quan chức ASEAN tuần trước đã hoàn tất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông mới; sau khi được thông qua chính thức, tài liệu này sẽ được đem ra thảo luận với Trung Quốc vào mùa hè này, mặc dù Bắc Kinh được cho là cũng đã có một số góp ý không chính thức.

    Tuy nhiên, trong các thảo luận an ninh của ASEAN, Trung Quốc từ lâu đã trở thành một con voi lớn trong phòng họp. Tại ADMM lần này, Trung Quốc đã có mặt đúng như thế trong phòng hội nghị: Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Lương Quang Liệt, cũng tham dự sự kiện tại Phnom Penh, mặc dù đây không phải là hội nghị ADMM mở rộng, nơi Trung Quốc là thành viên chính thức. Về việc dự thảo một Bộ Quy tắc mới, không ít người quan ngại nó sẽ không tạo ra bước đột phá quan trọng nhất: thiết lập quy tắc ứng xử rõ ràng cho các khu vực tranh chấp. Trung Quốc cũng là một nhân tố gây trở ngại nữa, khi các nhà soạn thảo lo ngại văn bản chuyển tới Bắc Kinh có thể khó được chấp nhận. Nhưng quan trọng không kém, việc soạn thảo bộ quy tắc mà không lấy trọng tâm là các vấn đề Biển Động sẽ lãng phí cơ hôi chục năm mới có một lần.

    Không nghi ngờ gì nữa, ASEAN đang lúng túng trong vấn đề Trung Quốc và tranh chấp lãnh thổ.

    Zhang Baohui, phó giáo sư ĐH Lĩnh Nam, phát biểu: "Bắc Kinh trước sau vẫn theo đuổi chiến lược ngăn cản vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Nước này cho rằng bất kỳ xung đột nào cũng chỉ nên có hai bên mà thôi. Về mặt này, Bắc Kinh đã thành công khi sử dụng một số quốc gia Đông Nam Á cản trở việc xây dựng một chương trình nghị sự hay chiến lược ASEAN thống nhất". Ông Zhang nêu cụ thể đòn bảy kinh tế của Trung Quốc với Campuchia và Thái Lan, và với thực tế rằng hai nước này (và một số thành viên ASEAN khác) không dính dáng trực tiếp trong các tranh chấp Biển Đông. Chỉ duy nhất việc họ là thành viên ASEAN là mối kiên kết thực tế của họ đối với các vấn đề trên.

    Nhận được sự chú ý đặc biệt thời gian gần đây là Campuchia: quốc gia được cho là khu vực gần gũi nhất của Trung Quốc và được nhận các viện trợ kinh tế rất lớn từ Trung Quốc. Hiện Campuchia cũng đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN, điều cũng khiến người ta hiểu rằng Trung Quốc càng có khả năng gây tác động lớn hơn đến ASEAN thông qua Campuchia tại một thời điểm vô cùng nhạy cảm trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen rất xúc động khi tuyên bố công khai hồi tháng trước rằng đất nước ông "không hề bị mua chuộc" bởi Trung Quốc như một công cụ tác động chính sách ASEAN. Thế nhưng, ngay cả người dân thường cũng không khó nhận ra cái cách Bắc Kinh gắn liền vấn đề viện trợ kinh tế với sự ủng hộ chính trị trước mỗi lập trường của Trung Quốc. Khi Hồ Cẩm Đào gặp Hun Sen vào cuối tháng 3, hãng Reuters đã đưa tin về cuộc hội đàm này: "Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đề nghị đồng minh thân cận về kinh tế Campuchia không đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề rắc rối của Biển Đông "đi quá nhanh" khi ông cam kết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD và tuyên bố những khoản viện trợ mới cho quốc gia nghèo này".

    Không kể đến mức độ Bắc Kinh có thể thao túng Campuchia ra sao, nhưng khả năng gây chia rẽ ASEAN - dù là có chủ ý hay chỉ tình cờ - là không thể phủ nhận. Theo Mark Thompson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Hồng Kông, không can thiệp vẫn là trọng tâm trong triết lý ASEAN, với kết quả là các thành viên ASEAN do đó tất nhiên ủng hộ duy trì cân bằng ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc hơn.

    Tuy nhiên, trong các tranh chấp lãnh hải với Philippine và Việt Nam, Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ phá vỡ sự cân bằng này, và vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của ASEAN. Hành động quân sự của Trung Quốc do đó sẽ đẩy các nước ASEAN tiến lại gần nhau hơn. Thompson chia sẻ: "Ở thời điểm hiện nay, tôi nghĩ Trung Quốc đang chơi một ván bài rất khôn ngoan. Nếu nói ASEAN ủng hộ điều gì, thì đó chính là sự trung lập. Nhìn chung, nguyên tắc Phương cách ASEAN, về không can thiệp, được chấp nhận và thậm chí tin tưởng, và vì thế nếu Trung Quốc đi quá giới hạn, ASEAN có thể sẽ tập hợp lại. Trung Quốc hiểu điều điều đó và đó là lý do tại sao họ vẫn đang hành động khá thận trọng".

    Sự can dự của Trung Quốc vào ASEAN làm kiềm chế hành vi của khối này, và cản trở tinh thần đoàn kết trong khối. Nhưng sự can dự của Trung Quốc vào ASEAN nếu không tự kiềm chế, có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.: Trung Quốc đã tương đối mềm dẻo để có thể tiếp tục giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo hướng song phương, như ý muốn, thay vì phải đối phó với cả một khối ASEAN thống nhất. Và với tất cả những diễn biến trong cuộc đối đầu kéo dài tại Scarborough có thể Trung Quốc đã đánh mất nhiều điểm trong các nỗ lực can dự vào ASEAN. Nó càng thể hiện rằng Trung Quốc chỉ có thể chia rẽ và chinh phục ASEAN về mặt chính trị chứ không phải quân sự.

    Đình Ngân theo the diplomat




    Posted by vietnamnet.vn on June 08, 2012 at 00:35:35:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]