Thứ Sáu, 08/06/2012, 07:30 (GMT+7) TT - “Nước Mỹ có sứ mệnh tìm lại toàn bộ chỗ đứng của mình tại châu Á - Thái Bình Dương, khu vực mà Mỹ đã bỏ lơ trong những năm qua do phải chú tâm đến khu vực Trung Đông, nơi đang diễn ra những biến động căng thẳng”. Hai tàu sân bay USS John C. Stennis (phải) và USS Abraham Lincoln của Mỹ đi qua vùng biển Ả Rập tháng 1-2012 - Ảnh: Reuters
“Chính sách quốc phòng đối với khu vực (châu Á - Thái Bình Dương) yêu cầu Mỹ mở rộng quan hệ quân sự - quân sự không chỉ với những nước đồng minh truyền thống” - ông Panetta nhấn mạnh. Tuyên bố này được cho là nhắm đến những nước ASEAN chưa có hiệp định đồng minh quân sự song phương với Mỹ. Sự thay đổi này của Mỹ được gọi là “tái cân bằng” (lực lượng) ở châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo Le Monde, những nét lớn của chiến lược này đã được Mỹ nêu ra ngay từ tháng 11-2011 tại Hawaii nhân Hội nghị hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tại Singapore, ông Panetta đã nêu rõ nội dung “tái cân bằng” này như sau: “Đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ tái bố trí các lực lượng hiện nay giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương từ tỉ lệ 50/50 sang 40/60 với sáu hàng không mẫu hạm và phần lớn các tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu chiến gần bờ và tàu ngầm”. Không chỉ về số lượng, ông Panetta cũng khẳng định sẽ đưa đến khu vực những tàu có công nghệ tối tân, những tàu ngầm công nghệ cao, máy bay chiến đấu, hệ thống truyền thông và chiến tranh điện tử mới. Hải quân Mỹ hiện sở hữu 11 hàng không mẫu hạm, trong đó năm được triển khai tại các cảng San Diego, bang Washington và Nhật Bản. Cả 11 tàu, chạy bằng năng lượng hạt nhân, đều là những siêu tàu chiến lớn nhất từng được đóng trên thế giới. Trên thế giới hiện chỉ có 12 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó ngoài Mỹ, một tàu còn lại là của Pháp. Về tàu chiến, Mỹ hiện có 285 tàu, được chia đều giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, gồm 61 tàu khu trục, 22 tàu tuần dương mang tên lửa điều khiển, 72 tàu ngầm, trong đó 53 là tàu ngầm chiến đấu và 18 tàu được trang bị hệ thống đạn đạo, 24 tàu chiến, 9 tàu đổ bộ tấn công, 7 tàu đổ bộ vận tải, 4 tàu tấn công gần bờ... Hầu hết khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện thuộc trách nhiệm của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, bao gồm lực lượng quân đội Thái Bình Dương, các lực lượng thủy quân lục chiến Thái Bình Dương, hạm đội Thái Bình Dương và các lực lượng không quân Thái Bình Dương. Trong đó, hạm đội Thái Bình Dương gồm sáu hàng không mẫu hạm, 180 tàu và 1.500 máy bay. Chris Johnson, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược toàn cầu, nhận định với chiến lược “tái cân bằng” này, Mỹ đang quyết tâm trở thành người bảo vệ an ninh cho khu vực. Báo Asia Sentinel ngày 5-6 cũng nhận định: “Đã đến lúc một trật tự an ninh mới xuất hiện trên Thái Bình Dương”. TRẦN PHƯƠNG
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta đã đi một vòng châu Á để tìm một sự liên kết cho nỗ lực “tái cân bằng” (lực lượng) ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại sao lại phải “tái cân bằng” nếu như không phải do đã xuất hiện một tình hình bất cân bằng khi mà một thế lực đang lên quá mức, còn thế lực cố cựu đã vắng mặt quá lâu trong những hai chục năm. Thật vậy, từ khi rút lực lượng ra khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic ở Philippines vào năm 1992, Mỹ đã không ngờ rằng khoảng trống để lại sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi một thế lực mới mà tốc độ “nổi lên” nhanh hơn dự kiến. Thậm chí mới 11 năm trước đây, khi nữ tổng thống Philippines Arroyo sang Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm liên minh Philippines - Mỹ, tổng thống Mỹ lúc đó là ông George W.Bush đang mải mê chống khủng bố, và thông cáo chung Bush - Arroyo ngày 20-11-2001 đã chỉ nêu chuyện chống khủng bố. Trong tám năm dưới trào ông Bush, nước Mỹ hầu như quên rằng trên Thái Bình Dương trật tự đã đổi ngôi! Hậu quả là sau khi ông Bush rời Nhà Trắng, ông Obama vào thế chỗ, nước Mỹ hầu như “mất chỗ” trên Thái Bình Dương, một địa bàn mà nước Mỹ đã dốc hết sức cách đây 70 năm để giành lại độc lập cho các nước ven Thái Bình Dương, thậm chí cả Ấn Độ Dương, từ tay thế lực mới lúc đó là Nhật Bản với giấc mơ Đại Đông Á! Châu Á năm 2012 mới tưởng niệm 70 năm Malaysia, Singapore, Philippines lần lượt thất thủ trên Thái Bình Dương, rồi Thái Lan, Miến Điện và cả một phần Ấn Độ trên Ấn Độ Dương cũng thất thủ cùng năm! Cảng Darwin của Úc cũng bị một trận mưa bom như Trân Châu cảng của Mỹ trước đó, chỉ chút xíu nữa thì Úc đất rộng, người thưa, tài nguyên vô tận cũng đã lọt vào tay Nhật! Không có gì lạ, Úc nay mời thủy quân lục chiến Mỹ sang đồn trú, Singapore mở cửa căn cứ hải quân Changi đón tàu tuần duyên Mỹ luân phiên vào trấn bờ biển, Philippines hối hả đòi mua thêm vũ khí... Những động thái đó chỉ là “chẳng đặng đừng”. Nguyên tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino Jr, một người Philippines thật đấy, song tại hội nghị các nhân sĩ ASEAN - Mỹ (EPG) tại Manila hạ tuần tháng rồi, ngay giữa lúc Philippines và Trung Quốc căng thẳng vụ bãi cạn Scarborough, cũng nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc rằng: “ASEAN từng tỏ rõ ASEAN sẽ không để bị buộc lòng phải chọn giữa Trung Quốc và Mỹ”. Cây muốn lặng, đơn giản thế! Nhưng khi gió không muốn dừng thì cũng phải riềng chặt rui kèo... vậy! DANH ĐỨC
|