Thứ Hai, 09/07/2012 - 12:46 (Dân trí) - Vấn đề Biển Đông sẽ được mang ra thảo luận tại cuộc họp cấp cao của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Phnom Penh vào tuần này, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 tại Phnom Penh ngày 9/7. Các giới chức Đông Nam Á cho biết thông tin trên trong lúc căng thẳng ở Biển Đông tiếp tục tăng cao. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã nhắc lại lập trường đàm phán song phương về vụ tranh chấp Biển Đông và nói rằng không nên để cho hội nghị cấp cao của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), tổ chức ở thủ đô của Campuchia vào tuần sau, bị biến thành nơi mà họ gọi là “mưu toan quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông”. Phát biểu tại cuộc họp báo hồi đầu tuần này ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Lưu Vi Dân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng “phía Trung Quốc tin rằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF là một diễn đàn quan trọng để nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau và tăng cường hợp tác, chứ không phải là nơi thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông.” Mặc dù vậy, các giới chức Đông Nam Á nói rằng vấn đề Biển Đông sẽ là một đề tài chính trong các cuộc họp diễn ra từ 8-12/7 ở Phnom Penh. Bản tin ngày 7/7 của hãng thông tấn PNA của Philippines trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Raul Hernandez nói rằng “mục đích của ARF là để cho các nước thành viên thảo luận và tham khảo ý kiến về các vấn đề chính trị và an ninh liên quan tới các quyền lợi và những mối quan tâm chung”, như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các giới chức Hoa Kỳ cũng dự trù thảo luận về vụ tranh chấp biển đảo này và bày tỏ ý định thúc đẩy cho việc đạt được một bộ qui tắc hành xử để ngăn chặn những hành vi xâm lấn hoặc những vụ đối đầu quân sự trong khu vực. Việt Nam dự kiến cũng sẽ đề cập tới vấn đề này sau khi đã phản đối việc Trung Quốc mời thầu thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tin tức ở Philippines cho biết sau cuộc họp nội các hôm thứ 5 Tổng thống Benigno Aquino đã có quyết định về cách thức giải quyết vụ tranh chấp với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), nhưng quyết định đó tạm thời sẽ được giữ kín. Các nhà phân tích cho rằng có phần chắc quyết định này sẽ được chính thức loan báo tại hội nghị Phnom Penh vào tuần này. Trong lúc giới hữu trách Bắc Kinh hồi gần đây đã có những hành động có tính chất ngang ngược hơn trong việc tranh giành chủ quyền ở Biển Đông, một nhà nghiên cứu của Trung Quốc nói rằng chính phủ nên tránh xảy ra xung đột quân sự với các nước khác tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này. Trong bài viết đăng trên tờ China Daily hôm thứ sáu, ông Chử Hạo của Viện Nghiên cứu Nam và Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nói rằng một vụ xung đột như vậy sẽ có thể đẩy toàn bộ các nước ASEAN xích lại gần Mỹ, làm cho thành quả của những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong nhiều thập niên qua tan thành mây khói. Thông điệp của Mỹ tại ARF Trong khi đó, giới chức ở Washington lại một lần nữa bày tỏ mong muốn hợp tác với Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu và khu vực, kể cả vấn đề Biển Đông, nơi mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Á châu Thái Bình Dương, ông Kurt Campell, mới đây cho báo chí biết rằng thông điệp hợp tác sẽ được nêu lên tại hội nghị ARF ở Phnom Penh: "Đây là một thông điệp rất quan trọng cần phải đưa ra. Bởi vì tôi nghĩ rằng khối ASEAN thường có một mối lo ngại là vùng Đông Nam Á hoặc những vùng khác ở Á châu sẽ trở thành một khu vực có sự cạnh tranh nguy hiểm về chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc." Ông Campbell cho biết thông tin trên trong lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ loan báo Ngoại trưởng Clinton sẽ đến dự hội nghị Phnom Penh trong chuyến du hành tới 5 nước Đông Á là Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Lào, và Campuchia. Ông Campbell nói thêm rằng việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế, thương mại với các nước ASEAN sẽ là một phần trọng yếu trong chuyến du hành này: “Có một điều vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ là đưa ra một số sáng kiến cụ thể về kinh tế cho vùng Đông Nam Á, và điều đó cũng sẽ nêu bật một sự cam kết đáng kể của Hoa Kỳ đối với những hoạt động doanh thương trong khu vực.” Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 5/7, khi đến Hà Nội ngày 10/7 Ngoại trưởng Clinton sẽ hội kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam và chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận về trao đổi giáo dục và các hợp đồng thương mại, và gặp gỡ các đại diện của cộng đồng doanh thương Hoa Kỳ và Việt Nam.
Vũ Qúy
|