Cựu biên tập viên Tân Hoa xã lên án “Tam Sa”

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Cựu biên tập viên Tân Hoa xã lên án “Tam Sa”

    TT - Trong ba bài viết được đăng tải vào các ngày 28, 29-6 và 17-7 trên mạng xã hội Bác Liên Xã, nhà báo Châu Phương - cựu biên tập viên mảng đối ngoại của Tân Hoa xã - đã phản bác cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đường lưỡi bò vô lý mà Trung Quốc tự vẽ ra.

    >> Xem toàn bộ hồ sơ thông tin Trung Quốc bành trướng trên biển Đông

    Các tàu ngư chính luôn theo sát để “tuần tra” khi 30 tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trên biển Đông - Ảnh: Chinanews


    Trong bài viết “Hiện trạng biển Đông có thể sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc” đăng hôm 17-7, nhà báo Châu Phương đã cực lực phản đối việc sử dụng vũ lực, phê phán hành động ngang ngược của Trung Quốc khi thành lập “cái gọi là thành phố Tam Sa” nhằm “cai quản” toàn bộ biển Đông.

    Mở đầu bài viết, ông Châu Phương viết: “Việc thành lập thành phố Tam Sa là nỗi nhục nhã nhất mà Trung Quốc phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Chúng ta từ nhỏ đã thấy một đường quốc giới màu đỏ thô kệch ôm trọn cả Nam Hải (tức biển Đông) trên bản đồ Trung Quốc. Cho đến hôm nay chúng ta mới biết được thực tế không phải như vậy. Đường quốc giới ấy chẳng những các nước láng giềng mà cả cộng đồng quốc tế đều không công nhận. Chính phủ cũng như các chuyên gia học giả Trung Quốc cũng không thể xác định rõ ràng. Dĩ nhiên, quân đội lại càng xấu mặt”.

    Tác phẩm của những kẻ không tỉnh táo


    Nhà báo Châu Phương - Ảnh: Blshe.com


    Nhà báo Châu Phương sinh năm 1960, là một trong những biên tập viên thuộc hàng kỳ cựu của Tân Hoa xã. Tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh năm 1982, thạc sĩ báo chí truyền thông năm 1989, ông là biên tập viên tại ban biên tập đối ngoại của Tân Hoa xã từ năm 1989 đến 2007.

    Ngày 23-7-2007, mạng Nhà Báo Trung Quốc đăng tải việc đình chỉ công tác biên tập tại Tân Hoa xã của nhà báo Châu Phương mà không đưa ra bất cứ lý do nào. Năm 2009, ông thành lập trang blog “Con mắt thứ ba” trên mạng xã hội Bác Liên Xã bàn luận về các vấn đề thời sự nóng hổi nhất tại Trung Quốc, điển hình như ba bài viết về vụ Bạc Hi Lai tháng 3 vừa qua.

    Bài viết “Con đường giải quyết tranh chấp Nam Hải - Quốc tế hóa vấn đề Nam Hải” của ông đăng hôm 28-6 cũng cho biết việc thành lập thành phố Tam Sa là do những người “không còn tỉnh táo” thực hiện. Và chính việc này đã dấy lên sự cảnh giác từ các nước láng giềng cũng như cộng đồng quốc tế.

    Ông chỉ rõ tổng diện tích “thành phố Tam Sa” mà Bắc Kinh vẽ ra lên tới 2,6 triệu km2. “Con số khủng khiếp đó cho thấy người thiết kế đã ngây thơ gộp toàn bộ Nam Hải và quy hoạch ra cái thành phố này. Như thế có thực tế không? Có khả thi không? Có đáng tin cậy không? Tự bản thân anh có thể tin được không?” - ông đặt câu hỏi.

    Và câu trả lời của ông là: “Dù trên phương diện lịch sử hay thực tế, Nam Hải chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ trở thành lãnh hải riêng của Trung Quốc cả”. Không những thế, trên thực tế Trung Quốc cũng chưa hề có chủ quyền trên vùng biển này. “Điều nực cười là cơ sở duy nhất thể hiện Trung Quốc có chủ quyền là cái “bản đồ chín đoạn” mà chúng ta xuất bản trong khi cả thế giới đều không thừa nhận nó” - ông mỉa mai.

    “Thành phố mới Tam Sa khiến chúng ta khẳng định một lần nữa ấn tượng về “đường quốc giới Trung Quốc” là sai lệch, bởi Nam Hải chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc” - ông khẳng định.

    Phải hủy bỏ ngay “Tam Sa”

    Ngày 29-6, ông Châu Phương lại tiếp tục đăng bài “Lập thành phố Tam Sa là làm trò cười cho quốc tế, cực lực kêu gọi từ bỏ ngay lập tức”. Theo ông Châu, “việc thành lập thành phố Tam Sa là một trò cười quốc tế điển hình. Chính phủ Trung Quốc cần sớm nhận rõ sai lầm to lớn đó, sớm có hành động sửa chữa sai sót. Hãy xóa bỏ thành phố Tam Sa ngay lập tức, thực hiện cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh trong thời gian sớm nhất có thể, dốc sức làm dịu tình hình căng thẳng, xóa bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.

    Cần quốc tế hóa vấn đề biển Đông

    Đánh giá về những suy nghĩ lệch lạc của các phương tiện truyền thông, nhà báo Châu Phương cảnh báo: “Chủ nghĩa yêu nước phải dựa trên sự thật... Trong lịch sử nhân loại, chỉ có một đất nước ôm trọn cả một vùng biển lớn mà không ai dám tranh giành. Đó chính là đế quốc La Mã tung hoành Âu, Á, Phi và sở hữu cả Địa Trung Hải”. Ông tự hỏi liệu Trung Quốc đang muốn trở thành một đế quốc thời cổ đại? Theo nhà báo Châu, Trung Quốc là một thành viên của cộng đồng quốc tế, do đó cần tuân theo luật và các quy tắc được quốc tế công nhận để điều chỉnh các hành vi liên quan đến các vấn đề có ảnh hưởng đến quốc gia khác. “Vì Nam Hải không phải là nội hải của Trung Quốc nên đương nhiên càng không thể là lãnh hải của Trung Quốc - ông nhấn mạnh - Đây là thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận. Trừ khi chúng ta không thừa nhận Việt Nam, Philippines và các nước khác là quốc gia và dùng vũ lực để thu hồi cái không phải của mình”.

    Nhà báo này nhấn mạnh Trung Quốc cần xem xét quyền lợi của các nước láng giềng khi xử lý các vấn đề về biển Đông. “Ngoan cố không thừa nhận Nam Hải là vấn đề quốc tế là một việc làm vô bổ, chỉ trở thành trò cười cho các nước khác và chẳng thể nào phá vỡ bế tắc”.

    MỸ LOAN

    __________

    Học giả Lý Lệnh Hoa: “Chỉ gây thêm rắc rối cho dân và nước”

    Trên trang blog.sina.com.cn, lúc 20g22 ngày 17-7 học giả Lý Lệnh Hoa - chuyên gia nghiên cứu hải dương học, thành viên của Trung tâm tin tức Hải Dương Trung Quốc - cho đăng tải lại bài viết của tác giả Châu Phương “Lập thành phố Tam Sa là làm trò cười cho quốc tế, cực lực kêu gọi từ bỏ ngay lập tức”. Học giả Lý dẫn nhập: “Chúng ta nên bình tĩnh và hãy biết lý lẽ một chút đối với Luật biển do Việt Nam công bố thời gian gần đây. Cái thành phố có diện tích to lớn như thế (ám chỉ thành phố Tam Sa mà Trung Quốc vừa tuyên bố thành lập), nó có thể giống một thành phố hay không? Bản thân cái thành phố này có thể cho con người một cuộc sống bình thường hay không? Chưa kể chúng ta nên học tập nghiêm túc luật biển quốc tế trong thời hiện đại, xác định chính xác đường lãnh hải cơ bản và các điểm cơ sở trên biển, chúng ta không thể cứ tự nghĩ sao là làm vậy”.

    Liên quan đến vấn đề tranh chấp biển đảo của Trung Quốc với các nước xung quanh, học giả Lý cho rằng dù ở biển Đông hay biển Hoa Đông thì Trung Quốc cũng đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 với tám nước láng giềng là Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Trung Quốc nên tuân thủ điều này. Thừa nhận trong những năm qua Trung Quốc và các nước này luôn xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp lãnh hải rất nghiêm trọng, ông kêu gọi Trung Quốc nên hình thành một vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị với các nước xung quanh, tuyệt đối không chỉ là những lời nói suông. Trung Quốc nên lấy chính sách hơp lý và dựa trên luật pháp quốc tế để xử sự.

    Đối với những người Trung Quốc động một chút là đòi động binh trừng phạt nước khác để giành lãnh hải, học giả họ Lý khuyến cáo: “Những người không hiểu rõ về ý nghĩa to lớn của UNCLOS 1982 đối với nhân loại là như thế nào, họ cũng chẳng biết xu hướng phát triển chủ đạo của thế giới, họ đang ăn nói lăng nhăng. Họ cổ xúy động võ, như thể chỉ gây thêm rắc rối cho nhân dân và đất nước”.

    Phản bác luận điệu “quân sự hóa, tranh chấp hóa, phức tạp hóa và sẽ kéo dài” trên biển Đông do giáo sư Chu Hồng Quân thuộc Đại học Phúc Đán đưa ra trên Thời Báo Hoàn Cầu ngày 12-6, học giả Lý cho rằng “nếu các nước đã ký UNCLOS, trong đó có Trung Quốc, và tuân thủ công ước này thì biển Đông sẽ không có chuyện như giáo sư Chu nói”.

    HOÀNG NGỌC




    Posted by tuoitre.vn on July 20, 2012 at 01:39:39:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]