TQ 'có những quyết định sai lầm' Cập nhật: 19:35 GMT - thứ năm, 26 tháng 7, 2012
Một học giả nổi tiếng với luận thuyết tương lai thuộc về châu Á phê phán Trung Quốc "bắt đầu có những sai lầm nghiêm trọng", thể hiện qua hội nghị Asean ở Campuchia. Giáo sư người Singapore Kishore Mahbubani được độc giả ngoài vùng Đông Nam Á biết đến với các tác phẩm khẳng định phương Tây đang đi xuống và trật tự thế giới mới sẽ thuộc về châu Á, với vai trò dẫn đầu của Trung Quốc. Các bài liên quanNgoại trưởng Indonesia lại thăm Hà NộiAsean trong cơn sóng gióTQ "khoái chí" trước thất bại của Asean Ông cho rằng Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn tại hội nghị Asean ở Campuchia hồi tháng Bảy, khi Asean lần đầu tiên trong lịch sử không đưa ra được tuyên bố chung. Chủ nhà Campuchia không muốn bản tuyên bố nhắc đến tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Kishore Mahbubani nói: "Cả thế giới, gồm đa số các nước Asean, xem lập trường của Campuchia là do sức ép to lớn của Trung Quốc." Ông nói Trung Quốc "thắng trận chiến tuyên bố chung, nhưng có thể đã đánh mất 20 năm gây dựng thiện chí". "Quan trọng nhất, các lãnh đạo trước đây của Trung Quốc tính toán rằng một Asean mạnh và đoàn kết là đệm chắn hữu ích chống lại mọi chiến lược kiềm chế của Mỹ." "Nay, khi chia rẽ Asean, Trung Quốc đã giúp Mỹ có cơ hội địa chính trị tốt nhất trong vùng." "Nếu Đặng Tiểu Bình còn sống, ông sẽ lo ngại sâu sắc," tác giả cảm thán. Tấm bản đồ 'đeo cùm vào cổ' Đáng chú ý, vị giáo sư người Singapore dành nhiều đoạn trong bài để chỉ trích yêu sách đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) của Trung Quốc. Giáo sư Kishore Mahbubani nói đường đứt khúc 9 đoạn này "có thể sẽ chỉ là cái cùm lớn đeo vào cổ Trung Quốc".
Nhắc lại ngày 7/5/2009, Trung Quốc đã gửi Công hàm, trong đó kèm bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, lên Liên Hiệp Quốc (LHQ). Công hàm này nhằm phản đối báo cáo chung về thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Malaysia cũng như báo cáo về thềm lục địa mở rộng của riêng Việt Nam. Ông nói việc gửi kèm bản đồ năm 2009 của Trung Quốc là "không khôn ngoan" vì đó là lần đầu tiên Bắc Kinh kèm bản đồ trong văn thư chính thức cho LHQ. "Sau khi đệ trình đường đứt khúc 9 đoạn lên LHQ, Trung Quốc bước vào thế không lối ra, vì khó khăn của việc biện hộ cho bản đồ theo luật quốc tế." "Như sử gia lớn Wang Gungwu đã chỉ ra, các bản đồ đầu tiên đòi Biển Nam Trung Hoa là của người Nhật, và được Trung Hoa Dân Quốc thừa kế," theo nhà nghiên cứu này. Ông nói tiếp: "Ở trong nước, đường 9 đoạn có thể gây rắc rối cho chính phủ khi đem lại cho những người chỉ trích một vũ khí hữu ích." "Mọi dấu hiệu thỏa hiệp sẽ gây khó chính trị cho giới chức," ông nói. Ông khẳng định Trung Quốc "sẽ phải tìm cách để thỏa hiệp quanh đường 9 đoạn". "Họ đã ngầm làm thế rồi. Mặc dù đường này bao gồm cả vùng biển đông bắc của đảo Natuna thuộc Indonesia, chính phủ Trung Quốc khẳng định với Indonesia rằng Trung Quốc không đòi đảo Natuna hay Vùng Đặc quyền Kinh tế của nước này." 'Đa nguyên chính trị' Ông nói cả Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình đều sẵn lòng nhượng bộ về lãnh thổ để giải quyết tranh chấp. "Điều này giải thích vì sao Trung Quốc rộng rãi với Nga trong việc xác định biên giới." "Mao và Đặng làm được vì cả hai đem lại cho Trung Quốc sự lãnh đạo mạnh mẽ." "Thách thức hiện nay cho thế giới là Trung Quốc đã trở nên đa nguyên chính trị: không lãnh đạo nào đủ mạnh để có nhượng bộ đơn phương khôn ngoan," học giả người Singapore nhận xét. Giữa rất nhiều bình luận hàng ngày về Trung Quốc và Biển Đông của giới quan sát, sự chê trách của ông Kishore Mahbubani có thể được giới học giả Trung Quốc chú ý vì lâu nay ông vẫn chê phương Tây và dự đoán Trung Quốc sẽ thay Mỹ ở vị trí số một thế giới. Posted by bbc on July 26, 2012 at 23:53:12:
|