TNS Jim Webb lo ngại về Trung Quốc

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    TNS Jim Webb lo ngại về Trung Quốc

    Cập nhật: 21:51 GMT - thứ năm, 26 tháng 7, 2012


    Thượng nghị sĩ Jim Webb từng lo ngại về tình hình Biển Đông 16 năm trước

    Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “làm rõ với Trung Quốc” về tình hình ở Biển Đông và báo cáo lại với Quốc Hội trong phát biểu lo ngại về thái độ đơn phương của Bắc Kinh với Asean.

    Ông cũng lên tiếng phê phán việc Trung Quốc cho lập ‘thành phố Tam Sa” với “ủy ban hành chính 15 người quản lý hai triệu km vuông biển”.

    Các bài liên quanTNS Jim Webb đánh giá về quan hệ Việt TrungXem01:36Ông Jim Webb gặp chuyên gia về Biển ĐôngViệt - Phi phản đối 'thành phố Tam Sa'
    Chủ đề liên quanBiển Đông
    Trong thông cáo báo chí ra ngày 26/7 tại Washington D.C., ông Jim Webb, chủ tịch Tiểu Ủy ban Đối ngoại với Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ đã nói các hành động gần đây của Trung Quốc “nhằm tăng kiểm soát tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa có thể đã vi phạm luật quốc tế”.

    Trong văn bản được công bố cùng ngày, ông Jim Webb, một cựu thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa và Nam Việt Nam trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, đã nói về “một sự trỗi dậy của một phe nhóm có gắn bó với quân đội Trung Quốc”.

    Theo đánh giá của ông, điều này khiến Trung Quốc “ngày càng trở nên hung hăng”.

    'Đơn phương là phạm luật'

    Nói về tranh chấp tại vùng biển Đông Nam Á, ông Webb nhắc lại rằng Trung Quốc “luôn bác bỏ giải pháp cho các vấn đề này tại một diễn đàn đa phương”, và đã đơn phương triển khai cách thức dùng vũ lực”.

    Chỉ riêng cách ứng xử đơn phương này, theo Thượng nghị sĩ Webb, “nói theo một cách lập luận, đã là một sự vi phạm luật quốc tế”.

    Ông cũng cho rằng Trung Quốc đã hành xử “trái với các tuyên bố trước đó của họ là họ mong muốn hợp tác với Asean để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC” cho vùng biển này.

    "Tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Ngoại giao làm sáng tỏ tình hình với Trung Quốc."

    TSN Jim Webb

    Ông nói: “Điều này thật là đáng lo ngại,”

    “Tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Ngoại giao làm sáng tỏ tình hình với Trung Quốc.”

    Với động thái gần đây nhất, hôm 23/7 của Trung Quốc cho lập 'thành phố cực nam Tam Sa', ông Webb tỏ thái độ đặc biệt mạnh mẽ.

    Ông viết: "Họ công bố một ủy ban thường vụ 15 người để quản lý khu vực. Họ cũng công bố thành phố họ lập ra sẽ quản trị 200 đảo nhỏ, bãi cát, bãi san hô trong khoảng hai triệu km vuông biển,"


    Trung Quốc tưng bừng ra mắt trụ sở của TP Tam Sa

    "Nói cách khác, họ lập ra cả một hệ thống hành chính từ chỗ không có gì. Họ đưa dân ra và lập doanh trại trên quần đảo vẫn còn đang tranh cãi về chủ quyền, và nay, họ tuyên bố cơ quan đó sẽ quản trị toàn bộ vùng biển Nam Trung Hoa."

    Văn bản của ông Webb cũng nhắc Tam Sa được lập trên đảo mà Việt Nam cũng đang tuyên bố chủ quyền.

    Ông Webb được báo chí Mỹ đánh giá là người “đã bày tỏ quan ngại về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông” từ 16 năm trước.

    Ông cũng có tiếng là người làm việc và thăm viếng khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong suốt bốn thập niên qua, ở vị trí sĩ quan thủy quân lục chiến, nhà kế hoạch cho Hải quân, nhà báo, quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng, và Thứ trưởng Hải quân, theo báo chí Hoa Kỳ.

    Là người có gắn bó nhiều và quan tâm tới miền Nam Việt Nam và sau 1975 là nước Việt Nam, ông Jim Webb từng nói với BBC quan điểm của ông về quan hệ Mỹ - Trung - Việt.

    Trả lời BBC Tiếng Việt hồi tháng 4/2010, nhân một dịp kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông đã nói về vấn đề biển đảo:

    "Có những vấn đề tại Biển Đông, những vấn đề rất quan trọng về chủ quyền, liên quan tới việc Trung Quốc nhận chủ quyền một số hòn đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền,"

    Ngoài ra, ông Webb còn nói về một lĩnh vực khác cho quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam:

    "Rất nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng tại Trung Quốc dọc sông Mekong và lượng nước chảy xuống Việt Nam là rất đáng quan ngại. Có khoảng 70 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trước tình trạng này,"

    "Việt Nam sẽ là nước phải chịu nguy cơ. Tự một mình Việt Nam không dám đối mặt với Trung Quốc về vấn đề này và Hoa Kỳ nên cùng các nước khác như Nhật Bản có thể tham gia, tìm cách để bảo đảm dòng sông Mekong được sử dụng công bằng."




    Posted by bbc on July 27, 2012 at 00:05:35:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]