Trung Quốc và chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng bức

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Trung Quốc và chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng bức

    Các chuyên gia nhận định hợp tác với Trung Quốc như chơi dao hai lưỡi, và càng phụ thuộc các nước sẽ càng phải chịu sức ép lớn từ cường quốc này.
    >Những cuộc chiến thương mại thù nghịch của Trung Quốc

    Khi 10 thành viên ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung lần đầu tiên trong 45 năm, hầu hết dư luận đều đổ lỗi cho nước làm chủ tịch năm nay là Campuchia. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định đằng sau sự thụ động của Phnom Penh chính là áp lực từ Bắc Kinh. Mục đích của nước này là ngăn ASEAN đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là vụ đụng độ gần đây giữa họ và Philippines tại bãi cạn Scarborough, trong tuyên bố cuối cùng.

    Việc này không làm dư luận quốc tế ngạc nhiên vì nhiều năm qua, Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ Campuchia. Chỉ tính riêng năm 2011, FDI mà Trung Quốc rót vào Phnom Penh đã gấp 10 lần so với mức cam kết của Mỹ.


    Thương mại là một trong những chiêu bài Trung Quốc hay dùng để gây sức ép với các nước khác. Ảnh: China Daily


    Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc luôn theo đuổi chính sách dựa vào sức mạnh kinh tế để gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ quốc tế và hợp tác thương mại là các chiêu bài luôn được nước này sử dụng. Mục đích là buộc các quốc gia khác phải cân nhắc trước khi đưa ra những chính sách hoặc động thái ảnh hưởng đến quyền lợi của Trung Quốc. Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), hành động này được gọi là chính sách ngoại giao kinh tế cưỡng bức.

    Ngày 10/4, tàu hải quân Philippines đụng độ với Trung Quốc tại một vùng tranh chấp ở bãi cạn Scarborough (Biển Đông) khi đang ngăn chặn Soái hạm Gregorio Del Pilar đã được điều đến sau khi máy bay tuần tra Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc tại khu vực này. Tuy nhiên, sự ngăn chặn của hai tàu hải giám nước bạn đã buộc Philippines phải rút soái hạm và thay bằng tàu tuần duyên. Trung Quốc sau đó còn phái thêm tàu có vũ trang thuộc Lực lượng duy trì Luật đánh bắt cá đến để khẳng định chủ quyền. Cuộc đụng độ chỉ chấm dứt sau hơn một tháng.

    Điều đáng nói là sau sự việc này, Trung Quốc đột ngột tuyên bố cấm nhập khẩu chuối Philippines do nghi nhiễm thuốc trừ sâu. Các loại quả như đu đủ, xoài, dứa hay dừa cũng bị liệt vào danh sách tăng cường kiểm tra. Khách du lịch Trung Quốc được khuyến cáo không nên đến Philippines vì lý do an ninh. Cuối cùng, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Philippines đã gây sức ép buộc chính phủ từ bỏ tranh chấp ở bãi cạn Scarborough - đúng như mong muốn của Trung Quốc.

    Một ví dụ nữa về việc nước này rất ưa dùng thương mại để gây ảnh hưởng chính trị là khi Nhật Bản bắt giữ một thuyền trưởng Trung Quốc do xâm phạm vùng đảo tranh chấp gần Sensaku, mà cả Trung Quốc và Đài Loan đều khẳng định chủ quyền. Chỉ sau đó ít ngày, Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật. Ngay cả Mỹ và EU cũng bị cắt giảm lượng đất hiếm được phép nhập khẩu hàng năm với lý do bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Cuối cùng, Tokyo đã phải thả vị thuyền trưởng kia.

    Không thể phủ nhận trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành cỗ máy tăng trưởng của cả thế giới. Thêm vào đó, nước này còn hào phóng tung một lượng tiền lớn hỗ trợ rất nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và chẳng khác nào chơi với một con dao hai lưỡi. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo các nước không nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc, vì điều này chỉ càng khiến họ chịu nhiều sức ép mà thôi.

    Hà Thu (theo The Diplomat)




    Posted by http://vnexpress.net on July 28, 2012 at 00:16:19:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]