'Trung Quốc không ngại dùng quân sự giải quyết tranh chấp'

    [Tintuc-hoangsatruongsa]


    Thứ hai, 13/8/2012, 06:00 GMT+7

    E-mail Bản In

    'Trung Quốc không ngại dùng quân sự giải quyết tranh chấp'

    Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để chiếm đóng thêm các đảo mới.
    > 'Con rồng đói' Trung Quốc ở Biển Đông/ Trung Quốc kích động dư luận, vu cáo Việt Nam

    Trong sách "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" vừa ra mắt, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã phân tích các biện pháp nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. VnExpress giới thiệu bài viết này.

    Ráo riết tiến hành công tác xây dựng pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển, Quốc hội Trung Quốc đã lần lượt thông qua Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp (năm 1992), Luật về đường cơ sở (1996), Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc (1998); Luật Quản lý sử dụng biển Trung Quốc (2001) và Luật Nghề cá 92004); đang xây dựng Luật về quản lý sử dụng hải đảo. Trung Quốc cũng đã thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý biển là Cục Hải dương, tổ chức từ trung ương tới cấp huyện.

    Trung Quốc đã ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (Tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân). Dự kiến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành “siêu cường quân sự thế giới”, có khả năng tác chiến biển xa. Thực tế cho thấy, Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để chiếm đóng thêm các đảo mới.

    Đội tàu tên lửa cao tốc tàng hình của hải quân Trung Quốc, mới ra mắt năm ngoái. Mỗi tàu này trị giá tới 40 triệu USD, được trang bị tên lửa và khả năng tấn công chớp nhoáng. Ảnh: Chinamil.


    Trung Quốc cũng củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã xây dựng cảng, đường băng sân bay dài trên 2.500 mét ở Hoàng Sa và biến Hoàng Sa trở thành căn cứ hải, lục, không quân và tàu ngầm mạnh, trong thời gian ngắn đã xây dựng các bãi cạn và bãi ngầm mà họ chiếm đóng ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và căn cứ vững chắc. Trung Quốc cũng luôn để ngỏ khả năng mở rộng chiếm đóng mới, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra khảo sát tìm kiếm thăm dò tài nguyên, sử dụng lực lượng quân sự mạnh để hỗ trợ, bảo vệ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trên biển, phát triển trang thiết bị cảnh giới biển và công nghệ khai thác biển sâu.

    Có thể nói, Trung Quốc là nước có đầy đủ dữ liệu nhất về tài nguyên biển, kể cả các vùng sát với bờ biển của Việt Nam.

    Thực hiện chính sách vừa lôi kéo, vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia, hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ Nhật; tập trung mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật “ngoại giao cấp cao”, “đại cục quan hệ”, “trả đũa mạnh” để hạn chế đấu tranh của Việt Nam.

    Khi buộc phải ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để đảm bảo không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ “gác tranh chấp cùng khai thác” của mình, không để ASEAN co cụm với nhau trong diễn đàn DOC. Trong quá trình xây dựng quy tắc ứng xử, Trung Quốc tìm cách gạt bỏ chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết. Và đặc biệt Trung Quốc kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương, mặc dù có những tranh chấp có liên quan đến nhiều bên.

    Thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” - Trung Quốc cho rằng đề xuất này thể hiện thiện chí to lớn của phía Trung Quốc, có cơ sở pháp lý (biện pháp tạm thời đối với vùng chồng lấn thềm lục địa), không đụng chạm đến quan điểm của mỗi bên về vấn đề chủ quyền, có tính xây dựng, thực tế và tính khả thi nhất, tạo điều kiện cho các bên khai thác tài nguyên phát triển kinh tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cũng như góp phần giữ gìn môi trường hòa bình và ổn định trên biển. Triển khai “gác tranh chấp, cùng khai thác”, Trung Quốc vừa nhằm duy trì và củng cố yêu sách chủ quyền, tranh chiếm được tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng vừa giữ được bộ mặt “hòa bình”, tranh thủ dư luận, tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với khu vực, hạn chế vai trò của cac cường quốc khác.

    Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất này của Trung Quốc không thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

    Tóm lại, chủ trương của Trung Quốc từng bước tăng cường, mở rộng khả năng kiểm soát khống chế và tranh giành lợi ích tài nguyên ở Biển Đông, dùng vị thế ở Biển Đông để răn đe các nước trong khu vực, phá thế bao vây, cô lập của Mỹ, Nhật, là nhất quán và bất biến.

    Theo nhận định của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế thì chính sách của Trung Quốc là nguồn gốc cơ bản gây ra tình hình bất ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong vòng 5-10 năm tới, Trung Quốc cũng rất cần môi trường quốc tế hòa bình ổn định để thực hiện chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, “chấn hưng Trung Hoa”. Trung Quốc phải cân nhắc, tính toán đến lợi ích và phản ứng của các cường quốc có liên quan, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ.

    Nguyễn Hưng lược trích




    Posted by vnexpress.vn on August 13, 2012 at 00:34:35:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]