Thứ Năm, 30/08/2012 - 09:52 (Dân trí) - Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ thảo luận về những mối căng thẳng ở Biển Đông trong chuyến công du các nước Á châu Thái Bình Dương 10 ngày, bắt đầu vào ngày hôm nay, trong đó có các chặng dừng chân ở Trung Quốc và Nga. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton
Giới quan sát nhận định: các hồ sơ biển đảo chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng đề cập với phía Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc, với thông điệp là Bắc Kinh không nên dùng sức mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của mình. Ngay từ hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã gợi lên điều đó. Tại một cuộc họp báo ở Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland nói rằng “Chúng tôi không muốn thấy những vụ tranh chấp ở Biển Đông hay bất kỳ nơi nào khác được giải quyết bằng sự hăm dọa, bằng vũ lực. Chúng tôi muốn thấy tranh chấp được giải quyết tại bàn thương thuyết.” Hoa Kỳ không phải là nước đòi chủ quyền ở Biển Đông nhưng tuyên bố có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở vùng biển này. Washington cũng ủng hộ những nỗ lực của các nước Đông Nam Á nhằm tiến hành những cuộc đàm phán đa phương với Trung Quốc, và đã chỉ trích việc Trung Quốc thành lập “huyện Tam Sa” và “khu cảnh bị Tam Sa” trên những quần đảo mà Việt Nam và các nước khác cũng tuyên bố có chủ quyền.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong lãnh vực quân sự và xác nhận là nhân vòng công du lần này, bà Clinton sẽ tìm kiếm những bước tiến trong việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử để quản lý các tranh chấp ở Biẻn Đông, một khu vực là nơi qua lại của một nửa tàu chở hàng trên thế giới. Thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông
Theo giới phân tích, vấn đề Biển Đông và bộ quy tắc ứng xử chắc chắn sẽ được Ngoại trưởng Mỹ gợi lên với Trung Quốc, Indonesia, Brunei, và rất có thể là với Đông Timor, quốc gia còn non trẻ ở vùng Đông Nam Á. Ngoài ra, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng có thể tranh thủ các cuộc gặp song phương, bên lề hai Hội nghị Thượng đỉnh của Diễn đàn các Đảo quốc Thái Bình Dương PIF tại quần đảo Cook và Diễn đàn APEC tại Vladivostok (Nga), để tìm kiếm hậu thuẫn của các nước khác như Australia, New Zealand hay các thành viên ASEAN còn lại sẽ đến dự hội nghi APEC.
Ngoài hồ sơ Biển Đông, Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, bà Nuland còn cho biết là ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ tìm kiếm giải pháp hoà bình cho tranh chấp trên các quần đảo giữa Nhật Bản với Trung Quốc, và Nhật Bản với Hàn Quốc mà quan hệ trong các tuần lễ qua đã xấu hẳn đi. Trong vòng công du châu Á lần thứ ba kể từ tháng 5 đến nay, bà Hillary Clinton sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các đảo quốc Thái Bình Dương, một khu vực mà ảnh hưởng của Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh. Tờ China Dailycủa nhà nước Trung Quốc hôm thứ tư nói rằng chuyến đi của Ngoại trưởng Clinton đến quần đảo Cook làm gia tăng những mối quan tâm địa chính trị về sự cạnh tranh của các cường quốc chính trong khu vực. Bài báo trích lời các nhà phân tích nói rằng việc bà Clinton trở thành viên chức cấp cao nhất của Mỹ tham dự hội nghị của Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương cho thấy Hoa Kỳ dự định chủ động giao tiếp trở lại với các nước ở Nam Thái Bình Dương. Một chuyên gia Hoa Kỳ học của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc nói rằng việc tham dự diễn đàn này là một phần của chiến lược quay lại Á châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Vũ Quý
|