Mitt Romney và thế trận Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]


    Quốc tế

    Ngày 05.09.2012, 07:59 (GMT+7)

    Mitt Romney và thế trận Biển Đông

    SGTT.VN - Đảng Cộng hoà với truyền thống cứng rắn trong chính sách đối ngoại này có thể khiến Trung Quốc lo ngại nếu Mitt Romney thắng cử và sẽ làm cho tình hình Biển Đông nhiều ẩn số khó đoán, xét về mặt chính trị và luật pháp.


    Mitt Romney đã không ngần ngại khẳng định rằng, nếu đắc cử sẽ “dạy cho Trung Quốc bài học về nhân quyền”. Ảnh: Reuters


    Trong bài phát biểu của mình tại đại hội đảng tuần qua, Mitt Romney đã không ngần ngại khẳng định rằng nếu đắc cử sẽ “dạy cho Trung Quốc bài học về nhân quyền, tăng cường sức mạnh quân sự để kiềm chế Bắc Kinh… đồng thời thực thi chiến lược khiến tham vọng bá chủ khu vực của Trung Quốc phải trả giá đắt hơn nhiều so với việc trở thành thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế”[1]. Điều này thể hiện Mitt Romney coi các hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông là sự thể hiện của tham vọng bá quyền, và điều cần phải làm chính là kiềm chế và khoá chặt Trung Quốc.

    Trong khi đó, cựu ngoại trưởng bà Condoleeza Rice trong bài nói của mình cũng khẳng định về vai trò dẫn đầu của Mỹ, cùng với việc tăng cường hỗ trợ đồng minh và bảo vệ hoà bình cũng như tự do thương mại. Bà Rice cho rằng nước Mỹ cần phải mạnh mẽ nắm lấy nhiệm vụ của siêu cường số một thế giới, để bảo đảm trật tự và an toàn cho tất cả, hoặc kẻ khác sẽ nắm lấy cơ hội. “Nước Mỹ không thể miễn cưỡng lãnh đạo và cũng không thể lãnh đạo từ phía sau”.

    Vì vậy, đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhiều chỉ dấu dẫn đến tiên đoán rằng nếu đảng Cộng hoà thắng cử, rất có thể nước Mỹ sẽ tăng cường giúp đỡ Philippines và các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc, thậm chí nước Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa hiện diện quân sự, đẩy nhanh quá trình “xoay trục” và can thiệp mạnh tay hơn vào Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc và thể hiện sức mạnh của cường quốc số một thế giới, từ đó khẳng định lại vị thế dẫn đầu, cũng như vai trò “người bảo vệ thế giới” vốn đã bị lung lay do khủng hoảng kinh tế và các hành động thiếu kiên quyết thời gian qua. Không chỉ luôn lên tiếng phản đối các hành động gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông, mà các thành viên chủ chốt của đảng Cộng hoà còn luôn cho rằng Trung Quốc là mối đe doạ lớn nhất với nước Mỹ cả về kinh tế và quân sự.

    Hơn nữa, mặc dù không đề cập nhiều về UNCLOS và một số thành viên đảng Cộng hoà đã phản đối thông qua, trong đó có Paul Ryan – ứng cử viên phó Tổng thống Mỹ. Thế nhưng Henry Kissinger, Condoleezza Rice và một số thành viên chủ chốt khác của đảng Cộng hoà lại cho rằng nước Mỹ cần phải gia nhập UNCLOS để bảo vệ các lợi ích. Hiện nay, có 34 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hoà phản đối UNCLOS ở Thượng viện khiến Công ước này không được thông qua, nhưng lý lẽ họ đưa ra lại chỉ dựa vào sức mạnh Mỹ, chứ không vì lợi ích lâu dài, chưa kể đến có một số thượng nghị sĩ chỉ bị lôi kéo và có thể thay đổi quan điểm. Ngoài ra, có thể một số thành viên đảng Cộng hoà không thông qua UNCLOS, vì họ không muốn UNCLOS được hoàn thành như một thắng lợi của đảng Dân chủ. Chính những điều này khiến UNCLOS trở nên khó đoán hơn.

    Chưa cần biết kết quả bầu cử ra sao, nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ phải điều chỉnh hành động của mình ngay từ bây giờ. Vì nếu đúng như những gì hai Đảng đã hứa hẹn, sẽ khó để Trung Quốc có thể ngang ngược như hiện nay, khi đảng Dân chủ đã thể hiện quan điểm chắc chắn sẽ sử dụng UNCLOS nhằm can thiệp Biển Đông và thúc ép Trung Quốc theo luật; trong khi đảng Cộng hoà lại thể hiện mong muốn sử dụng vũ lực và trừng phạt kinh tế để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ luôn muốn thực hiện “ba mũi giáp công” ở châu Á – Thái Bình Dương nhằm tăng cường ảnh hưởng và khoá chặt Trung Quốc, do đó, dù là UNCLOS, trừng phạt thương mại hay hiện diện quân sự.

    Vũ Thành Công – Nguyễn Thế Phương

    [1]http://infonet.vn/the-gioi/trung-quoc-thich-obama-lam-tong-thong-my/a27675.html



    Posted by sgtt.vn on September 05, 2012 at 02:03:41:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]