Thứ Tư, 12/09/2012 - 01:14 Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm. "Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư Đài (theo cách gọi của Đài Loan, Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc Đại lục gọi là Điếu Ngư). Đây là hành động bất hợp pháp vi phạm chủ quyền lãnh thổ (của Đài Loan)". Ông Dương Tiến Thiêm cho rằng hành động đơn phương của Nhật Bản không thể thay đổi chủ quyền thực tế của Đài Loan. Trung Quốc cho biết hai tàu hải giám hiện đã ở trong vùng biển của Senkaku/Điếu Ngư. Dự kiến, ông Shen Ssu-tsun sẽ trở về Đài Bắc trong ngày hôm nay (12/9). Động thái trên diễn ra sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố đã hoàn tất việc mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ một gia đình chủ sở hữu tư nhân với mức giá 2.05 tỷ Yên (tương đương 26 triệu USD). Trước đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra những phản đối mạnh mẽ trước quyết định mua đảo của chính phủ Nhật Bản, trong khi làn sóng biểu tình chống Nhật bùng phát mạnh tại nhiều thành phố của nước này. Mạng tin Sankei của Nhật Bản cho biết các cuộc biểu tình đã đồng loạt diễn ra trong ngày 11/9 ở thủ đô Bắc Kinh và các thành phố Thượng Hải, Quảng Châu, Sơn Đông. Tại thủ đô Bắc Kinh, khoảng 20 nhà hoạt động đã đứng trước Đại sứ quán Nhật Bản giương các biểu ngữ phản đối, đòi “trả lại Điếu Ngư” nhưng không xảy ra các hành động quá khích như đập phá hay ném đất đá vào bên trong Đại sứ quán. Tại Thượng Hải và Quảng Châu, hàng chục người biểu tình cũng tụ tập trước Tổng lãnh sự quán Nhật Bản để bày tỏ phản đối. Nhiều hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước dự kiến sẽ được tổ chức tại Trung Quốc trong thời gian tới cũng đang có nguy cơ sẽ bị đình lại vì tranh chấp biển đảo. Ở ngoài nước, cộng đồng người Hoa ở Mỹ cũng kêu gọi trên mạng Internet triệu tập biểu tình phản đối Nhật Bản tại các thành phố San Francisco, Seattle, New York, Washington từ ngày 15-18/9. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cách đảo Đài Loan và tỉnh Okinawa của Nhật Bản 160 km. Từ lâu quần đảo này đã trở thành tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan vì án ngữ ngay tại tuyến hải vận quan trọng và ở khu vực được cho là có nhiều dầu mỏ. Việt Giang Theo AFP Posted by dantri.com.vn on September 11, 2012 at 21:28:18:
|