So sánh Điếu Ngư và Biển Đông Tàu Trung Quốc 'tuần tra' gần vùng đảo Điếu Ngư/Senkaku Nhân việc Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng vì quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, một chuyên gia từ Úc nhận định về nỗ lực pháp lý của Bắc Kinh nhằm thách thức Nhật Bản. Giáo sư Carlyle Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, ghi nhận việc mới Trung Quốc cho biết nước này vừa công bố đường cơ sở lãnh hải quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư và các đảo xung quanh. Các bài liên quanPanetta: 'Mỹ-Trung hợp tác tránh đối đầu'Tàu hải giám TQ đã ‘hoàn thành sứ mạng’ TQ liên tiếp biểu tình chống Nhật Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lý Bảo Đông cũng đã đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon văn kiện và bản đồ về đường cơ bản lãnh hải Trung Quốc cùng các đảo ở khu vực Điếu Ngư. Giáo sư Carl Thayer nói qua diễn biến này, “có vẻ như là Trung Quốc đi ngược lại cách làm trước đây của họ, nhất là trên Biển Đông.” “Trong vấn đề Biển Đông, tôi tin là chính phủ Trung Quốc không hề muốn ghi thành văn bản đường chín đoạn.” Giáo sư người Úc cũng cho biết không thể so sánh đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông với đường cơ sở quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. “Đường chín đoạn là yêu sách chủ quyền dựa trên cơ sở lịch sử trong khi việc công bố đường cơ sở (trên Biển Hoa Đông) là tuân theo UNCLOS,” ông giải thích. “Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc không tuyên bố đường cơ sở xung quanh mỗi một hòn đảo nổi đảo chìm mà họ chiếm giữ và đòi chủ quyền ở Biển Đông.” Ông giải thích rằng đó là vì Bắc Kinh có ‘lập trường nước đôi’ đối với các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. “Nước này tuyên bố chủ quyền với tất cả hòn đảo, bãi cạn, đảo san hô ở đây và vùng biển xung quanh. Mặt khác họ cũng tuyên bố có ‘chủ quyền lịch sử’ đối với vùng biển mà đường chín đoạn ôm trọn.” “Khái niệm vùng biển xung quanh không có trong luật pháp quốc tế.” “Việc Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở xung quanh Senkaku/Điếu Ngư và đưa các đường cơ sở và điểm cơ sở này ra Liên Hiệp Quốc là một nỗ lực để củng cố vị thế pháp lý.” “Tuy nhiên điều này không có giá trị trên thực tế bởi vì Trung Quốc không chiếm giữ hay quản lý quần đảo này.” “Trung Quốc liên tục vận dụng các đạo luật của mình, chẳng hạn như Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp ban hành năm 1992, để qua mặt cũng như lách luật quốc tế.” "Bất cứ bước đi nào của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền sẽ là hành động khiêu khích nguy hiểm vì Nhật Bản, với tư cách là nước chiếm đóng đảo, hoàn toàn có quyền bảo vệ chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế." Giáo sư Carlyle Thayer Theo giáo sư Carl Thayer, mỗi quốc gia có quyền tài phán đối với lãnh hải của mình nhưng tàu bè các nước khác cũng có quyền đi qua miễn là họ không gây tổn hại cho hòa bình, trật tự và an ninh. Theo đó thì các tàu hải giám Trung Quốc hoàn toàn có quyền đi vào ‘lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku’, ông cho biết. Tuy nhiên, điều mà Trung Quốc đang làm là ‘thách thức chủ quyền Nhật Bản’ ở vùng biển này. “Một khi Trung Quốc đã tạo ra được cơ sở pháp lý bằng luật pháp của họ thì họ có thể tự do hành động,” ông nhận định và lưu ý rằng các tàu hải giám Trung Quốc hoạt động trong vùng biển này đều được mô tả là ‘thực thi nhiệm vụ chấp pháp’. Chốt lại, vấn đề Điếu Ngư/Senkaku là tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Hai nước có thể giải quyết song phương bằng cách đàm phán hoặc đưa vấn đề ra tòa án quốc tế phán xét, giáo sư Thayer nhận định. “Khởi điểm của Trung Quốc là chủ quyền của họ không thể tranh cãi. Một khi Trung Quốc còn khăng khăng lập trường này, tranh cãi chủ quyền xung quanh Senkaku sẽ không thể giải quyết,” ông nói. “Bất cứ bước đi nào của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền sẽ là hành động khiêu khích nguy hiểm vì Nhật Bản, với tư cách là nước chiếm đóng đảo, hoàn toàn có quyền bảo vệ chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế,” ông nói thêm. “Trung Quốc hiện đang sử dụng chiến thuật ức hiếp mà họ đã từng dùng với Philippines đối với Nhật Bản.” “Nỗ lực này sẽ tác dụng ngược vì cách hành xử của họ sẽ khiến các quốc gia trong khu vực hướng đến Hoa Kỳ để cân bằng Trung Quốc,” giáo sư người Úc phân tích.
|