Hôm nay, 09/20/2012 10:14 PM
Trong khi thông tấn Infonet cho biết, 2 tàu phi đạn TQ tiến gần đảo Điếu Ngư của Nhật, thông tấn VOA nói rằng giới lập pháp ASEAN dự tính lập nhóm cố vấn đề dàn xếp tranh chấp Biển Đông. Mặt khác, RFI cho biết Nhật đang đòi TQ bồi thường các thiệt hại vì biểu tình tại các cơ sở ngoạị giao của Nhật ở TQ. Bản tin Infonet nói rằng, theo trang tin tức Fuji của Nhật Bản đưa tin hôm 20/9, phía Nhật đã xác nhận có hai tàu hải quân Trung Quốc đêm hôm 19/9 đã tiến vào vùng biển cách đảo Senkaku 80 hải lý về phía Bắc Tây Bắc. Mạng tin tức truyền hình Fuji của Nhật bản (FNN) đã có bản tin xác nhận thông tin này. Hai tàu này là tàu hộ vệ tên lửa 054A, Sau khi Nhật chính thức mua Senkaku, đây là lần đầu tiên phía Nhật Bản xác nhận có tàu hải quân Trung Quốc đi lại trong vùng biển của đảo Senkaku (Điếu Ngư) đang tranh chấp gay gắt giữa hai bên Trung Nhật. Chưa hết, theo tin NHK của Nhật bản, tính đến trưa 20/9, tổng cộng Nhật đã phát hiện 16 chiếc tàu công vụ Trung Quốc đang ở vùng biển gần Senkaku. Trong khi đó, bản tin VOA nói rằng lập pháp của các nước thuộc Hiệp hội Đông Nam Á đang tính tới việc thành lập một nhóm cố vấn bao gồm các đại biểu quốc hội cao cấp của ASEAN nhằm tạo ra các kênh chính trị mới giúp giải quyết các tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Tin Asia News Network ngày 20/9 cho hay kế hoạch về việc thành lập nhóm cố vấn này có kèm trong bản dự thảo nghị quyết chính trị sắp được mang ra thảo luận tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội ASEAN (gọi tắt là AIPA) diễn ra ở Indonesia trong tuần. VOA loan tin: “...nhóm cố vấn được đề nghị thành lập sẽ có nhiệm vụ khuyến khích các nước ASEAN và Trung Quốc tiến hành các cuộc thương lượng và đi tới chung quyết một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông trên tinh thần luật quốc tế. Theo dự kiến, vấn đề Biển Đông cũng sẽ được các quan chức ngoại giao cấp cao của ASEAN mang ra thảo luận tại Thái Lan vào tháng sau trước khi một cuộc họp thượng đỉnh Đông Á khai diễn ở Phnom Penh vào tháng 11 năm nay.” Mặt khác, bản tin RFI nói rằng hôm 20/09/2012, theo AFP, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại tại các cơ sở ngoại giao của Nhật ở Trung Quốc do các cuộc biểu tình chống Nhật vừa qua gây ra. Người phát ngôn của chính phủ Nhật Osamu Fujimura tuyên bố : «Chúng tôi có ý định yêu cầu bồi thường các thiệt hại tại các cơ sở ngoại giao của chúng tôi». Đại diện chính phủ Nhật cho biết thêm, việc đền bù mất mát và thiệt hại đối với các cơ sở tư nhân của người Nhật (như nhà hàng, đại lý xe hơi…) thì thể theo luật pháp của Trung Quốc. RFI cũng nói rằng, AFP dẫn lời nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị, tố cáo chính quyền Bắc Kinh đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Ông Ngải Vị Vị nhận định, biểu tình chống Nhật không phải là «một phong trào tự phát», «có vô số chi tiết cho thấy các cuộc biểu tình đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng» với «sự khuyến khích của chính quyền ». RFI viết: “Ngày thứ Ba 17/09, khi phong trào biểu tình đang ở đỉnh điểm, nghệ sĩ ly khai Ngải Vị Vị cho AFP biết, ông đã có mặt ở một địa điểm gần hai sứ quán Nhật và Mỹ, để ghi hình cuộc biểu tình trước sứ quán Nhật. Ông cũng tình cờ ghi lại được cảnh khoảng 50 người biểu tình chống Nhật đột ngột ào sang đập phá xe hơi của đại sứ Mỹ Gary Locke. Ngải Vị Vị cáo buộc nhà cầm quyền Bắc Kinh tỏ vẻ «ngây thơ» trong chuyện này, trong khi trên thực tế lại tìm cách điều khiển dư luận, với một mức độ chưa từng thấy kể từ Cách mạng Văn hóa (1966-1976) đến nay. Nhà ly khai nhấn mạnh, cuộc phản kháng duy nhất thực sự của dân chúng Trung Quốc cho đến nay là phong trào Thiên An Môn năm 1989, tuy nhiên «cuộc biểu tình thực sự này đã bị xe tăng nghiền nát». Năm ngoái, nhà nghệ sĩ ly khai từng bị chính quyền bắt giam 81 ngày, sau khi ông bày tỏ mong muốn sẽ có một «mùa xuân Trung Quốc», tiếp theo «mùa xuân Ả Rập». Thêm nữa, trang web Chính Phủ VN loan tin “Việt – Trung đàm phán hòa bình vấn đề Biển Đông.” Bản tin nói : “Chiều 20/9, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Phó Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.” Điểm đặc biệt của bản tin là cam kết: “Hai bên nhất trí cho rằng cần kiên trì giữ gìn hoà bình, ổn định tại Biển Đông, giải quyết thoả đáng mọi vấn đề thông qua đàm phán hoà bình và xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ hai nước.”
|