Hòa giải biển đảo qua tòa quốc tế? Ông Michael Dukakis (giữa) và ông Nguyễn Anh Tuấn (phải) đều tham gia thuyết trình Dự hội thảo về Hòa giải tại Viện Trần Nhân Tông tổ chức chiều 21/9 ở Đại học Harvard, cựu ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ năm 1988, ông Michael Dukakis (đảng Dân chủ Mỹ) đề nghị đưa các tranh chấp biển đảo ở Đông Nam Á ra Tòa quốc tế. Phát biểu về chủ đề hòa giải trong quan hệ quốc tế ông Michael Dukakis, người cũng từng là Thống đốc bang Massachussets, và nay tham gia Hội đồng Tư vấn cho Viện Trần Nhân Tông, tin rằng dùng tòa quốc tế sẽ tạo ra chuẩn mực cho cách giải quyết các xung đột tiềm tàng ở Châu Á. Trả lời BBC Việt ngữ có mặt tại hội nghị, ông Dukakis nói về các tranh chấp ở vùng biển Đông Á và Đông Nam Á: "Tôi nghĩ, đây là một cơ hội rất tốt để Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới cùng gặp nhau để thử xây dựng niềm tin và các định chế quốc tế mà chúng ta tin rằng có năng lực giải quyết các vấn đề này." "Tòa án quốc tế chẳng hạn, đã chẳng giải quyết nhiều việc như vậy hay sao. Vì sao không thể kêu gọi Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản đưa vấn đề ra Toà án Công lý Quốc tế để giải quyết [tranh chấp]." Trước câu hỏi rằng nếu chẳng hạn Trung Quốc, Đài Loan, hay một nước nào khác không chấp nhận [giải pháp tòa quốc tế] thì sao, ông Dukakis nói: "Chúng ta không thể cưỡng bức nước nào đồng ý hay không, nhưng theo tôi, thay vì chạy vòng quanh, tìm các cách khác, thì vì sao cộng đồng quốc tế không nói, đây, chúng ta có tòa án quốc tế được lập ra để xử lý, và tôi nghĩ sẽ có nhiều nước khó mà phản ứng, cưỡng lại." "Nhưng tôi chưa nghe thấy người ta nói về điều đó. Thật là đáng tiếc là chưa thấy nêu ra. Như thế hay hơn là dùng cách đe dọa tấn công nhau, hay biểu tình chỗ này, chỗ khác." Trong phần phát biểu, ông Michael Dukakis cũng tỏ ý lo ngại về chiến lược ‘xoay chuyển’ (pivot) của Hoa Kỳ thời Tổng thống Barack Obama đưa trọng tâm quân sự về châu Á – Thái Bình Dương. "Đưa ra tòa án quốc tế hay hơn là dùng cách đe dọa tấn công nhau, hay biểu tình" Michael Dukakis Ông tỏ ra muốn nêu cao vai trò của các định chế quốc tế bằng luật pháp nhằm tạo ổn định bền vững cho các vấn đề xung đột tiềm tàng. Dũng mãnh và vị tha Cùng ngày, tại Harvard Faculty Club, Viện Trần Nhân Tông đã công bố trao giải đầu tiên mang tên vị vua Phật giáo của Việt Nam vào thế kỷ 13 cho bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein của Miến Điện. Cả hai sẽ nhận giải sau, khi bà Suu Kyi tới thăm Đại học Harvard ở thành phố Boston vào cuối tháng 9, và khi ông Thein Sein đến New York dự họp Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cuộc cải cách dân chủ và hòa giải phe phái mang tinh thần hướng tới tương lai chung của Liên bang Myanmar vì thế đã được bàn thảo trong cả ngày hội nghị, bên cạnh các ví dụ từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel-Palestine, xung đột Ambon ở Indonesia được diễn giả và cử tọa tham gia thảo luận. Hiển nhiên, đề tài hòa giải Mỹ – Việt đã được nêu ra với sự giới thiệu của Giáo sư Thomas Paterson, từ Trường Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard. Trả lời BBC, ông Paterson, người từng tham gia cuộc chiến Việt Nam trong quân đội Hoa Kỳ, cho hay dù không phải là tín đồ Phật giáo nhưng ông tin rằng việc chọn vị vua Việt Nam, Trần Nhân Tông, người lập ra Thiền tông phái Yên Tử làm nhân vật biểu tượng cho hòa giải quốc tế là rất thích hợp. Ông Paterson, Chủ tịch Viện Trần Nhân Tông cho hay tìm trong lịch sử thế giới từ cổ đại tới nay hiếm có vị vua nào là nhà cầm quyền có tinh thần hòa giải điển hình như Trần Nhân Tông.
Trong phần phát biểu mang nhiều tính triết lý, ông Paterson so sánh ví dụ sau khi thắng trận, vua Trần Nhân Tông rời ngôi báu để lo tu hành và giáo dục dân, với Tổng thống George Washington của Hoa Kỳ, người sau cuộc chiến giành độc lập cho nước Mỹ, đã trở về làm việc nơi điền trang, điều khiến vua George của Anh kinh ngạc và thán phục. Ngoài ra, vấn đề hòa giải giữa các khối người Việt từ sau 1975 tới nay cũng được nhắc tới. Các nhân vật tham gia thảo luận phần đông là giới nhà báo và nghiên cứu từ nhiều nước đang học tại Harvard và một phái đoàn từ Việt Nam của giới học thuậ́t từ Hà Nội và TP HCM được mời qua. Trả lời BBC, tiến sỹ Phật học Lê Mạnh Thát nói nêu cao tinh thần của vua Trần Nhân Tông từng có ý nghĩa cho hòa giải tại Việt Nam khi nhìn lại thời hậu chiến nhưng vào thời điểm này thì tốt cho sự tiếp cận và thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Điều các diễn giải đồng ý được với nhau chính là về nhu cầu duy trì nguyên tắc cam kết lâu bền hướng tới hòa giải, chứ không phải đồng ý về các giải pháp nhanh gọn cho các xung đột đã xảy ra hoặc đang diễn ra trên thế giới. Diễn giả người Đức, ông Roland Schatz và ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu tổng biên tập trang VietnamNet, từ Việt Nam đã nói về vai trò của truyền thông trong nỗ lực hò̀a giải khi đưa tin về các vấn đề thời sự và xung đột quốc tế.
|