Trung Quốc khó trừng phạt kinh tế Nhật Bản

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Trung Quốc khó trừng phạt kinh tế Nhật Bản

    Giới phân tích cho rằng trừng phạt bằng cách bán trái phiếu chính phủ Nhật sẽ khiến NDT tăng không kiểm soát và đồng yen giảm mạnh, việc này hoàn toàn bất lợi đối với kinh tế Trung Quốc.
    >Chuyên gia Trung Quốc kêu gọi trừng phạt kinh tế Nhật
    >Doanh nhân Nhật rút dần khỏi Trung Quốc

    Jin Baisong, một cố vấn tại Học viện Thương mại quốc tế Trung Quốc, trực thuộc Bộ Thương mại nước này, đã gây ồn ào khi đăng tải một bài viết trên China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, ông kêu gọi Trung Quốc dùng quyền chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản để áp đặt lệnh trừng phạt lên nước này.

    Các nhà quan sát cho biết phát biểu trên phản ánh nhận thức phổ biến của người Trung Quốc rằng họ có thể dùng quyền lực kinh tế để đạt được mục đích chính trị. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới với hơn 3.000 tỷ USD, đầu tư vào tài sản nước ngoài như trái phiếu chính phủ Mỹ và Nhật.


    Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Nhật Bản. Ảnh: China Daily


    Giới phân tích cũng cho biết quan điểm này là sai lầm. Trên thực tế, Trung Quốc đầu tư vào trái phiếu nước ngoài vì đó là chiến lược kinh tế của họ. Việc này cho phép Bắc Kinh kiểm soát đồng NDT. Vì vậy, rút tiền ra khỏi Nhật Bản bằng việc bán trái phiếu cũng có nghĩa họ sẽ phải tìm một kênh khác để đổ tiền vào. Vì nếu mang số đó về nước, đồng NDT sẽ tăng ngoài tầm kiểm soát.

    Patrick Chovanec - Giáo sư tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho biết: "Người Trung Quốc nghĩ rằng dự trữ tiền tệ đại diện cho sức mạnh của chính phủ và có thể dùng làm vũ khí. Tuy nhiên, việc này không đúng. Trung Quốc mua trái phiếu nước ngoài để giữ đồng NDT không tăng giá. Vì vậy, nếu bán đi, họ sẽ lại phải mua tài sản khác. Điều này sẽ chỉ gây hại cho họ mà thôi".

    Có thời điểm, việc nắm giữ trái phiếu Nhật trở nên kém hấp dẫn do kinh tế nước này tăng trưởng yếu và có khoản nợ khổng lồ. Tuy nhiên, gần đây, những lo ngại về triển vọng của Mỹ và khủng hoảng nợ ở châu Âu lại khiến các nhà đầu tư coi trái phiếu này là kênh an toàn.

    Tim Condon - Giám đốc bộ phận nghiên cứu châu Á tại ING Financial Markets (Singapore) cho biết: "Quyết định sẽ làm gì với dự trữ ngoại tệ thuộc về những người bị ràng buộc bởi yêu cầu kinh tế. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng tranh chấp với Nhật Bản sẽ khiến chính sách đầu tư này thay đổi".

    Mặt khác, Trung Quốc bán một phần trái phiếu chính phủ Nhật cũng có lợi cho Nhật Bản, vì nó sẽ làm đồng yen yếu đi. Đây là điều mà Nhật Bản đang nỗ lực để đạt được. Trên thực tế, Nhật cũng từng tuyên bố nước này không muốn Trung Quốc tăng nắm giữ trái phiếu, vì việc này sẽ khiến đồng yen tăng giá.

    Trong tháng, yen đã tăng lên mức kỷ lục 7 tháng so với USD, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Nhật Bản và kìm hãm phục hồi kinh tế nước này. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đã phải bơm thêm tiền ra thị trường. Động thái này được các chuyên gia nhìn nhận là để làm yếu đồng yen.

    Các nhà phân tích cho rằng vấn đề tranh chấp giữa hai nước không nên bị đánh giá thấp. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về kinh tế đến thời điểm này vẫn còn hạn chế. Andrew Pease, Giám đốc đầu tư tại Russell Investments (Sydney) cho biết: "Trung - Nhật vẫn là đối tác quan trọng của nhau, nhưng rất khó đoán trước họ sẽ để tình trạng này tiếp diễn đến bao giờ. Tuy mọi việc đang rối ren, nhưng việc để ảnh hưởng mạnh đến kinh tế và thương mại sẽ không có lợi cho nước nào cả".

    Hà Thu (theo CNBC)



    Posted by vnexpress.vn on September 28, 2012 at 01:25:55:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]