Đông Nam Á đua nhau mua vũ khí Indonesia tăng chi tiêu quân đội dù không có tranh chấp ở Biển Đông Đông Nam Á nay đang chi mạnh tay cho vấn đề quốc phòng, mà hầu hết là nhắm vào mảng hải quân, hãng tin Reuters có bài nhận định. Bài viết của phóng viên John O'Callaghan viết rằng Indonesia thì mua tàu ngầm của Hàn Quốc và hệ thống radar tuần duyên của Trung Quốc và Hoa Kỳ, trong lúc Việt Nam nhận tàu ngầm và máy bay chiến đấu từ Nga, còn Singapore - vốn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm trên thế giới - đang bổ sung thêm kho vũ khí tinh vi của mình. Vừa là lo lắng trước Trung Quốc, lại đang có tiền nhờ những thành công ít nhiều về kinh tế, Đông Nam Á muốn cải thiện vũ khí nhằm bảo vệ các tuyến vận tải biển, các cảng biển và cả biên giới trên biển, những vấn đề mang tính thiết yếu cho chuyện xuất khẩu và năng lượng của khu vực. Xung đột lãnh hải, càng được thổi bùng do nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào ở vùng Biển Đông, đã khiến Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei cố gắng tìm cách tạo cân bằng trước sức mạnh hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả những nước không dính trực tiếp vào cuộc xung đột này như Indonesia, Thái Lan và Singapore cũng tập trung chú ý tới vấn đề an ninh hàng hải. Tăng chi phí quốc phòng Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực nay dường như chưa đủ để các nước nhỏ cảm thấy yên tâm Từ nhiều thập niên nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á không mấy khi mua sắm vũ khí hạng nặng mà chỉ nhắm vào các loại súng ống hay xe tăng cỡ nhỏ. Khi đó, các mối đe dọa chủ yếu chỉ là từ nội địa, còn sự bảo trợ của Hoa Kỳ được coi là đủ để tránh nguy cơ bị nước ngoài xâm lược. Tuy nhiên, sự lớn mạnh đáng sợ của Trung Quốc cùng túi tiền rủng rỉnh hơn khiến việc mua sắm vũ khí được chú trọng hơn. Theo IISS, Malaysia có hai tàu ngầm Scorpene và Việt Nam mua 6 tàu ngầm Kilo của Nga. Thái Lan cũng có kế hoạch mua tàu ngầm trong lúc chiến đấu cơ Gripen của Thái vốn mua của Saab AB (Thụy Điển) rồi sẽ được trang bị hỏa tiễn đối hạm RBS-15F của Saab. Singapore thì đã đầu tư vào các chiến đấu cơ F-15SG của Boeing, Hoa Kỳ, và hai tàu ngầm Archer của Thụy Điển để bổ sung vào đội tàu ngầm bốn chiếc Challenger có sẵn và tăng cường sức mạnh sẵn có của lực lượng hải quân và không quân của mình. Indonesia, quốc đảo rộng lớn với các tuyến hải hành quan trọng và 54.700 km bờ biển, đang đặt mua ba tàu ngầm mới của Hàn Quốc để bổ sung cho đội tàu ngầm hai chiếc hiện nay. Indonesisa cũng hợp tác với các công ty Trung Quốc để sản xuất hỏa tiễn đối hạm C-705 và C-802, sau khi đã thử nghiệm hỏa tiễn đối hạm Yakhont do Nga sản xuất vào năm 2011. Hình chụp tàu ngầm của Trung Quốc Chưa kể ngay cả khi đầu tư nhiều thì sức mạnh quân sự của các nước này so với Trung Quốc cũng vẫn là khập khiễng, như nhận xét của nhà nghiên cứu Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (SIPRI), và điều lớn nhất các nước có thể đạt được trong trường hợp có xung đột chỉ giới hạn ở mức gây tổn hại đáng kể: "Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, thì ít nhất Việt Nam cũng có thể gây ra một số thiệt hại lớn [cho Trung Quốc]." SIPRI nói Indonesia, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã dẫn đầu trong việc đẩy mạnh ngân sách quốc phòng của họ từ 66 và 82% từ 2002 đến 2011. Tuy nhiên, nước vung tiền kinh khủng nhất chính là Singapore, nơi có cảng biển trung chuyển hàng tấp nập thứ nhì trên thế giới bận rộn nhất, một trung tâm tài chính toàn cầu và một trung tâm dầu khí, hóa dầu quan trọng. Quốc đảo giàu có này, cùng với Malaysia và Indonesia, chắn ngữ eo biển Malacca nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, tuyến đường huyết mạch có ảnh hưởng to lớn tới vấn đề chiến lược, năng lượng, nguyên liệu và lưu thông hàng hóa đông - tây. Mập mờ chi tiêuIISS nói Singapore có ngân sách quốc phòng năm 2011 là 9,66 tỷ USD, đè bẹp ngân khoản của Thái Lan (5,52 tỷ USD), Indonesisa (5,42 tỷ USD), Malaysia (4,54 tỷ USD) và Việt Nam (2,66 tỷ USD). Tuy nhiên, việc chi tiêu cụ thể vào các khoản như thế nào, chẳng hạn bao nhiêu tiền sẽ được dùng để tăng khả năng quốc phòng, bao nhiều cho đạn dược và bao nhiêu để trả tiền lương, lại là điều không được nói rõ. Mà ngay cả các con số tổng chi tiêu quốc phòng cũng không thể hiện hết toàn bộ nội dung câu chuyện. Bởi các nước như Việt Nam và Indonesia thì sử dụng các thoả thuận tín dụng hoặc nguồn thu từ việc bán quyền thăm dò năng lượng để tài trợ cho việc nhập khẩu vũ khí, mà những thỏa thuận như vậy lại không xuất hiện trong ngân sách quốc phòng, các nhà phân tích nói. Sức mạnh quân sự Trung Quốc vẫn được giới chuyên gia đánh giá là áp đảo trong khu vực Thị trường béo bởKhi mà ngân sách quốc phòng ở nhiều quốc gia phương Tây đang chịu nhiều áp lực thì châu Á trở thành thị trường hấp dẫn của các nhà sản xuất vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc, và các hệ thống giám sát. Bộ phận sản phẩm quốc phòng của Lockheed Martin và của Boeing đều trông chờ là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ đem lại khoảng 40% doanh thu quốc tế của hãng. SIPRI nói rằng 97% vũ khí của Việt Nam - bao gồm các tàu khu trục, máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa bờ biển Bastion - là do Nga cung cấp trong khoảng thời gian 2007-11, nhưng nước này đang tìm cách đa dạng hóa bằng cách đàm phán với Hà Lan và Hoa Kỳ. Philippines, vốn dựa vào Hoa Kỳ để có được tới 90% số vũ khí của mình, nay có kế hoạch chi 1,8 tỷ đô la nâng cấp trong thời gian năm năm tới. Bộ Quốc phòng Philippines nói với Reuters rằng một trong những ưu tiên của nước này là tăng cường năng lực chống tàu ngầm. Thái Lan, quốc gia có lực lượng quân đội vốn đã tổ chức 18 cuộc đảo chính, cả thành công lẫn chưa âm mưu, từ năm 1932 đến nay, đã xây dựng một tàu tuần tra theo thiết kế của BAE System, Anh Quốc. Thái có kế hoạch hiện đại hóa một tàu khu trục nhỏ, và trong vòng năm năm tới sẽ mua chiếc tàu mới đầu tiên trong loạt hai chiếc dự kiến.
|