Tàu lớn Trung Quốc có thể bị tiêu diệt ở Biển Đông

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Ngày 23.10.2012, 07:24 (GMT+7)
    Tàu lớn Trung Quốc có thể bị tiêu diệt ở Biển Đông

    * Mỹ thuyết phục Trung-Nhật giảm căng thẳng

    SGTT.VN - Tạp chí Affaires Stratégiques của Pháp số ra mới đây đăng bài trả lời phỏng vấn của ông Eric Frecon, giảng viên trường Hải quân, về khả năng tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở Biển Đông.


    Ít có khả năng Trung Quốc đẩy cao xung đột với Nhật Bản và các nước có liên quan vì một thế cân bằng mới đang hình thành trong khu vực. Ảnh: Reuters


    Biển này là một vùng biển giàu tài nguyên và có vai trò địa chiến lược quan trọng trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông ngày một gia tăng.

    Theo ông Eric Frecon, ít có khả năng Trung Quốc đẩy cao xung đột với Nhật Bản và các nước có liên quan vì một thế cân bằng mới đang hình thành trong khu vực.

    Mặc dù Trung Quốc được cho là một cường quốc hải quân, tự trang bị cho mình nhiều phương tiện, song nước này phải đối mặt với một loạt quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á cũng đang tự trang bị các phương tiện hải quân như tàu cao tốc nhỏ có khả năng chống lại các chiến dịch triển khai hải quân lớn ở trong vùng.

    Hơn nữa, Biển Đông có những đặc trưng riêng, là một vùng biển hẹp gần như khép kín, có nhiều eo biển khiến các đội tàu chiến lớn không thể xoay xở dễ dàng.

    Thêm vào đó, các nhóm tàu này có thể bị tiêu diệt bởi tên lửa chống hạm đặt dọc đường bờ biển. Các giàn tên lửa này cộng với các tàu nhỏ cao tốc của hải quân các nước trong vùng là mối đe dọa đối với Trung Quốc nếu họ tiến xuống phía Nam.

    Can dự vào khu vực này không chỉ có Trung Quốc, ngoài Mỹ và Nhật Bản còn có Ấn Độ cũng bắt đầu quan tâm và can dự vào khu vực.

    Như vậy đã xuất hiện một thế cân bằng nhất định giống như ở châu Âu trước đây với rất nhiều kênh trao đổi và thảo luận cho phép giữ trạng thái cân bằng đó.

    Về khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự trong cuộc xung đột với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và hậu quả của nó, chuyên gia Eric Frecon khẳng định Trung Quốc không sẵn sàng đẩy xung đột lên cấp độ cao hơn.

    Hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với hai mặt trận, phía Bắc với Nhật Bản và phía Nam với một số nước Đông Nam Á. Tình hình dường như căng thẳng hơn ở phía Bắc nhưng có vẻ lắng dịu hơn ở phía Nam.

    Như vậy, Trung Quốc phải cân nhắc xem xung đột với Nhật Bản phải giải quyết như thế nào để tạo được ảnh hưởng với các cuộc thảo luận ở Biển Đông và từ đó có thể gây sức ép với các nước ven biển.

    Chuyên gia Eric Frecon cho biết ông hoàn toàn tin rằng sáng kiến của Indonesia, Singapore có thể tạo động lực kích hoạt trở lại sự năng động của khu vực trong bối cảnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không tạo được động lực cần thiết.

    Các nước thứ ba có thể có tác động tới tình hình khu vực thì có thể là Úc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo chuyên gia Eric Frecon, EU có ảnh hưởng đáng kể với tư cách là đối tác thương mại thứ hai của ASEAN.

    Đặc biệt, EU có kinh nghiệm về kiểm soát xung đột biển, tranh chấp biển, kiểm soát giao thông đường biển, các nước có tranh chấp biển có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nước EU.

    Hơn nữa, tất cả các nước châu Âu đều có trong kho lưu trữ của mình những tấm bản đồ, các bản báo cáo có thể giúp ích cho việc giải quyết xung đột biển.


    Mỹ thuyết phục Trung-Nhật giảm căng thẳng

    Hãng tin Kyodo của Nhật ngày 22.10 đưa tin Mỹ đã cử một phái đoàn cựu quan chức an ninh đến Nhật và Trung Quốc vào ngày 22 và 23.10 để thuyết phục hai nước giảm căng thẳng trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

    Phái đoàn do nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage dẫn đầu.

    Trong khi đó, báo Mainichi của Nhật cùng ngày đưa tin Nhật và lãnh thổ Đài Loan đã nhất trí vào tháng sau sẽ nối lại đàm phán về quyền đánh bắt ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

    Liên quan đến 64 thủy thủ Trung Quốc được lực lượng tuần duyên Nhật cứu trong vụ cháy tàu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Fukuoka, Nhật, đang liên hệ với các cơ quan chức năng Nhật để giải quyết và các công ty liên quan đến 64 thủy thủ đang sắp xếp đưa tàu và các thủy thủ về nước.

    Trong ngày 22.10, Bộ Tài chính Nhật thông báo xuất khẩu của Nhật trong tháng 9 đã giảm 10,3% trong khi nhập khẩu cùng kỳ tăng 4,1%, như vậy cán cân thanh toán đã thâm hụt 558,6 tỉ yen. Bộ Tài chính ghi nhận đây là tháng thứ tư liên tiếp xuất khẩu Nhật giảm.

    Theo hãng tin Reuters, xuất khẩu của Nhật trong tháng 9 đã giảm đến mức thấp tương tự hai tháng sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11.3.2011 và là mức giảm xuất khẩu thấp nhất từ năm 1979. Nguyên nhân do tình hình tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và khủng hoảng trong khu vực đồng euro.

    Theo điều tra của Reuters, tinh thần của các nhà chế biến Nhật đã xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng 1.2010 và sẽ tiếp tục kéo dài như thế trong những tháng tới.

    Chuyên gia kinh tế Kyohei Morita ở Ngân hàng Barclays, Anh, nhận định tình cảm chống Nhật của người tiêu dùng Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục kéo dài cho dù hai nước có hòa hoãn với nhau. Lý do là chính phủ Trung Quốc khó kiểm soát quyết định của người tiêu dùng trong nước.

    Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế Nhật đánh giá chương trình kích thích kinh tế 1.000 tỉ yen mà Thủ tướng Nhaật Yoshihiko Noda dự kiến sẽ không đủ.

    Dự kiến Ngân hàng Trung ương Nhật có thể sẽ công bố các biện pháp kích thích kinh tế trong hội nghị ngày 30-10.


    vietnamplus.vn, phapluattp.vn



    Posted by sgtt.vn on October 22, 2012 at 20:50:45:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]