Chủ Nhật, 02/12/2012 - 16:01 Tuần qua, không chỉ dư luận trong nước mà cả dư luận thế giới đã lên tiếng kịch liệt phản đối hành động vô lý của Trung Quốc: in bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu.
Những tuyên bố đầy thiện chí Xin bỏ qua những tuyên bố đầy tình hữu nghị cao cả như những núi liền núi sông liền sông... và cả những tuyên bố gần đây về phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”... chỉ mới đây thôi, ngày 11-10-2011, ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hồ Cẩm Đào cùng hai đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Trong các văn kiện trên, có văn kiện thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thỏa thuận đó khẳng định: Hai bên, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Gần đây nhất ngày 20-9-2012 trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tập Cận Bình (nay là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc), đã thảo luận về quan hệ hai nước. Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước không ngừng đi vào chiều sâu. Hai bên nhất trí cho rằng trong tình hình hiện nay việc không ngừng tăng cường sự tin cậy về chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cả hai nước. Mặc dù trong quá khứ chúng ta đã có nhiều bài học về sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của họ, nhưng không ai phủ nhận rằng chúng ta cũng đã hy vọng rằng những tuyên bố, những ký kết ấy sẽ góp phần tạo nên sự ổn định của biển Đông, ngăn cản những thế lực hiếu chiến. Nhưng một lần nữa chúng ta lại thất vọng. Những hoạt động thực tiễn của họ đã thể hiện rõ tham vọng và dã tâm của họ. Tham vọng bành trướng Trong cuộc hội thảo quốc tế về biển Đông mới đây, Nhà nghiên cứu Hoàng Việt (ĐH Luật TP HCM) đã chỉ rõ, hành động cấp hộ chiếu cho công dân Trung Quốc có in bản đồ lưỡi bò thống nhất trong chiến lược, chính sách của Trung Quốc về biển Đông. Để đe dọa các nước trước những hành vi thể hiện vũ lực trên biển Đông, Trung Quốc dùng 3 cuộc "chiến tranh" để chèn ép các quốc gia nhỏ là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh kinh tế. Những hành vi dùng vũ lực trên biển Đông như dùng tàu hải giám, hải chính... ngăn cản việc thăm dò khai thác tài nguyên biển trên các vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước khác, cắt cáp thăm dò dầu khí, xua đuổi thậm chí bắt cóc thuyền đánh cá, bắt nộp tiền chuộc... thành lập thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, thành lập các tổ chức quân sự trên quần đảo Hoàng Sa, tăng cường binh lực trên những đảo họ xâm chiếm trái phép trong quần đảo Trường Sa; Trong chiến tranh tâm lý, họ đe dọa sử dụng chiến tranh tổng lực, tăng cường ngân sách quốc phòng (năm 2013 lên đến 110 tỷ USD, mua sắm vũ khí từ tàu sân bay đến những tàu chiến, tên lửa hiện đại nhằm làm nhụt ý chí chiến đấu chống lại sự xâm lấn bằng vũ lực của các nước có chủ quyền trên biển Đông. Về kinh tế, lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc sẵn sàng gây khó khăn cho những nước phản đối sự bành trướng của họ trên biển. Việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật, hạn chế du lịch với Philippines, gây khó khăn trong mậu dịch trên biên giới phía bắc Việt Nam là các hành động thường thấy của họ. Trong chiến tranh truyền thông, họ không ngần ngại sử dụng hệ thống báo chí của mình, thậm chí cả những tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc như Nhân dân nhật báo, Hoàn cầu… dùng các biện pháp phi quân sự để áp đảo buộc các nước mà không dùng đến vũ khí. Họ luôn sử dụng những luận điểm không có căn cứ pháp lý, cổ vũ tinh thần dân tộc cực đoan trong nước, lừa bịp dư luận quốc tế với phương châm nói dối mãi cũng sẽ có người tin. Giả vờ... điếc Ngay cả người phát ngôn của chính phủ Trung Quốc, sau khi nhận được phản ứng của dư luận quốc tế về hộ chiếu có in hình lưỡi bò cũng vẫn xưng xưng: "Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải thái quá. Trung Quốc sẵn sàng duy trì thông tin với các nước có liên quan và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trong trao đổi giữa nhân dân Trung Quốc và các nước”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 22-11 đã khẳng định tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng “chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông". Có thể nói trong tuần qua dư luận quốc tế đã kịch liệt phản đối về tấm hộ chiếu mới của Trung Quốc. Điều đó cho thấy, Trung Quốc cần phải từ bỏ cách hành xử với các nước láng giếng theo kiểu “một mình một chợ”. Hành động in bản đồ đường lưỡi bò lên hộ chiếu đã một lần nữa chứng minh sự tráo trở, nói một đằng làm một nẻo của Trung Quốc và tất cả các nước có chủ quyền ở Biển Đông đang bị Trung Quốc cố tình vẽ vào cái đường lưỡi bò phi lý kia đều không chấp nhận tấm hộ chiếu đó và coi là không có giá trị. Mặc dù Bắc Kinh đã lên tiếng nói về tấm hộ chiếu mới của mình là “cải tiến công nghệ”, nhưng “bài” đấy đã cũ mèm rồi. Một khi sự dối trá đã nhiều lần được phơi bày thì không còn ai tin vào những lời nói dối. Và các nước vẫn tiếp tục lên tiếng phản bác đường lưỡi bò in trên hộ chiếu của Trung Quốc. Cụ thể Ấn Độ đã dán visa có in hình bản đồ của nước này, để cấp cho công dân Trung Quốc. Ấn Độ cũng sẽ cấp thị thực mới tại sứ quán ở Bắc Kinh, trong đó sẽ bao gồm bản đồ có vùng lãnh thổ mà New Delhi tuyên bố chủ quyền. Sau Việt Nam từ chối đóng dấu chứng thực cho các công dân Trung Quốc có hộ chiếu in "đường lưỡi bò”, Philippines trở thành nước thứ hai từ chối đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng bày tỏ sự quan ngại: “Trung Quốc có quyền thiết kế hộ chiếu như ý muốn", nhưng bề ngoài của các quyển hộ chiếu không được "gây thù địch giữa các nước”. Trong khi đó, ông Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói: "Chính phủ Trung Quốc nên rút lại mẫu hộ chiếu mới, bởi hộ chiếu là một vật trung lập, dùng để khích lệ các mối quan hệ kinh tế và con người song họ lại dùng nó để đưa ra một tuyên bố chính trị".
|