Sự đoàn kết trong Asean có vai trò quyết định

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Quốc tế Ngày 03.12.2012, 11:26 (GMT+7) Tranh chấp biển đông

    Sự đoàn kết trong Asean có vai trò quyết định

    SGTT.VN - Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason (Hoa Kỳ) vừa có bài thuyết trình “Tranh chấp Biển Đông và điều kiện cần thiết cho một giải pháp công bằng và bền vững” tại hội thảo Việt Nam học tuần qua. Trước khi rời Hà Nội, giáo sư đã có cuộc trò chuyện với cộng tác viên của Sài Gòn Tiếp Thị

    Được biết, bài thuyết trình đã gây sóng gió tại phiên thảo luận của tiểu ban. Vấn đề này thế nào, giáo sư có thể chia sẻ với độc giả Sài Gòn Tiếp Thị?

    Trong khoa học, cọ xát ý kiến là thường tình. Tôi không thấy có chi bất thường ở đây cả. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, đại biểu Trung Quốc gay gắt nói rằng bài tham luận của tôi có vấn đề. Đại biểu ấy khuyên tôi nên sang Trung Quốc “tìm hiểu và nghiên cứu thêm” để bổ sung vào bản thuyết trình, bởi vì cách tôi vừa trình bày, theo ông ta là “không thể chấp nhận được”.

    Giáo sư đã trả lời lại như thế nào?

    Tôi khẳng định ngay, tôi là người Mỹ gốc Việt và là một giáo sư Hoa Kỳ, giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học George Mason. Ở Mỹ, chúng tôi có quyền tự do phê phán chính sách, kể cả của tổng thống, điều tôi thường làm tại các bài giảng cũng như trong nhiều bài viết. Ngài tổng thống có thể đồng ý hay không đồng ý với tôi, nhưng ông ấy không có quyền nói rằng, cách phê phán của tôi là “không thể chấp nhận được”!

    Đánh nhau bằng biểu tượng

    Giáo sư bình luận thế nào về tin mới nhất liên quan đến việc Trung Quốc tự cho mình quyền chặn bắt và trục xuất tàu nước ngoài tiến vào Biển Đông? Tình hình liệu có nguy cơ dẫn đến đụng độ võ trang hay không?

    Theo tôi, có nhiều chỉ dấu cho thấy căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang. Hôm qua là hộ chiếu lưỡi bò, hôm nay là chặn bắt và trục xuất tàu các nước, ngày mai sẽ là gì nữa, khó ai đoán trước được các nước cờ hiểm hóc của Bắc Kinh. Các động thái tới đây của Trung Quốc có thể thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, khả năng đụng độ võ trang không cao, cho dù chẳng ai dám loại trừ. Điều chắc chắn là trước mắt, Trung Quốc sẽ “đánh nhau” với các nước mà họ tranh chấp bằng các biểu tượng hộ chiếu, bản đồ hoặc bằng nhiều phương tiện bán vũ trang khác.

    Các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình Biển Đông hiện nay?

    Ba nhân tố chung cuộc quyết định diễn tiến tình hình Biển Đông. Thứ nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc, kèm theo quyết tâm chiến lược của họ sẽ trở thành “cường quốc biển”; thứ hai là Mỹ duy trì thế thượng phong về hải quân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gắn liền với “pivot” (chiến lược chuyển trọng tâm); và thứ ba là ASEAN mong muốn bảo vệ được chủ quyền của mình và đứng ngoài cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.

    Liệu cuộc tìm kiếm một giải pháp công bằng và bền vững cho tranh chấp Biển Đông có khả thi?

    Nếu hội tụ được các yếu tố: Trung Quốc kiềm chế tham vọng bành trướng, Mỹ cam kết sâu rộng vào khu vực và ASEAN không buông ngọn cờ đoàn kết. Trong ba yếu tố này thì sự đoàn kết của ASEAN, sự cố kết nội khối trên mọi phương diện, là yếu tố quan trọng nhất!

    Biển Đông với ASEAN

    Hiện nay một số nước ASEAN và ngay tại Mỹ cũng có ý kiến cho rằng Mỹ cần tỏ thái độ mạnh mẽ hơn trong việc ủng hộ các thành viên ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc?

    Thái độ của Mỹ khá minh bạch và rõ ràng về vấn đề này. Trên lời nói, Mỹ hơn một lần khẳng định, rằng Mỹ không đồng ý để cho bất cứ một cường quốc nào bá chủ trên Biển Đông; Mỹ cam kết sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở đấy. Trong hành động, Mỹ triển khai hàng loạt các biện pháp quân sự mà ý đồ vây chặn các thế lực muốn “múa gậy vườn hoang” là khá rõ.

    Nhưng các nước ASEAN đôi khi vẫn chập chững trong lựa chọn.

    Mỹ và Trung Quốc sẽ không để bị lôi kéo vào xung đột, vào đối đầu nhau chỉ vì lợi ích của ASEAN. Tranh chấp Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích giữa Trung Quốc với ASEAN nói chung và với các nước tạm gọi là “tuyến đầu” nói riêng. Các nước trong khu vực đương nhiên trông chờ vào Mỹ và mong Mỹ làm nhiều hơn. Nhưng nếu ASEAN không phát huy được vai trò trung tâm, nếu cứ thể hiện ra bên ngoài như là những quốc gia “đồng sàng dị mộng” trong tiến trình COC thì chao đảo là cái chắc. Phải nhớ nằm lòng câu ngạn ngữ: “Mãnh hổ nan địch quần hồ!” (Cọp dữ không địch lại đàn chồn hợp sức). Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

    Cạnh tranh Trung – Mỹ

    Nhưng dù sao với tương quan bất cân xứng, ASEAN khó có thể vượt thoát được cái bóng của cạnh tranh Trung – Mỹ?

    Bà Hillary Clinton cuối tuần qua vừa tuyên bố tại bộ Ngoại giao Mỹ: sự trỗi dậy của Trung Quốc trên tư cách một cường quốc thế giới đang bước tới ngã rẽ. Để không bị phụ thuộc vào những biến thiên của quan hệ Trung – Mỹ, ASEAN cần hiểu thật rõ hướng đi tương lai của Trung Quốc, cũng như tiến trình “pivot” của Mỹ. Nhất là cần tỉnh táo xem xét Bắc Kinh sẽ xử lý các thách thức bên trong của họ như thế nào, giải quyết các tranh chấp với láng giềng ra làm sao và Trung Quốc có đẩy những khúc mắc hệ thống của họ ra bên ngoài hay không.

    Giáo sư đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ Mỹ – Trung?

    Cả hai nước đang cố gắng tìm đáp án mới cho vấn đề cũ: điều gì sẽ xảy ra khi một cường quốc “đã tại vị lâu năm” và một cường quốc “đang lên” gặp nhau. Đừng có bất kỳ ảo tưởng nào rằng cuộc hội ngộ này sẽ suôn sẻ hoặc dễ dàng. Tuy nhiên, có lý do để hy vọng những năm tới, hai nước có thể vạch ra một đường hướng thực tiễn để tránh xung đột và xây dựng các lĩnh vực hợp tác, nơi các quyền lợi chung tương hợp với nhau. Nếu không thì thế giới sẽ phải đương đầu với những hình thức mới của “chiến tranh lạnh” và “vây chặn”.

    Hải Đăng (thực hiện)



    Posted by sgtt.vn on December 03, 2012 at 08:10:40:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]