Vì sao – Trung Quốc? Thế nào – Việt Nam?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thời sự Ngày 05.12.2012, 13:18 (GMT+7)
    LTS: Từ việc in trên hộ chiếu công dân nước mình bản đồ thể hiện yêu sách đường lưỡi bò đến việc đòi khám xét tàu nước ngoài trên Biển Đông mà Trung Quốc tự nhận là thuộc chủ quyền của mình, rồi làm đứt cáp tàu Bình Minh 2 của Việt Nam một lần nữa hôm 30.11.2012, Trung Quốc đang ngày càng khiến công luận nhiều nước và Việt Nam bất bình về hành vi leo thang độc chiếm Biển Đông ngày một rõ nét của Trung Quốc.

    Vì sao – Trung Quốc? Thế nào – Việt Nam?

    Việc phía Trung Quốc hết cắt cáp đến làm đứt cáp tàu thăm dò dầu khí của chúng ta không phải là lần đầu tiên. Việc họ đẩy mạnh thiết lập chủ quyền thực địa cũng đã diễn ra từ lâu và cái gọi là “chiến thuật tàu cá” cũng không có gì lạ. Vậy điều gì khiến sự kiện lần này trở nên đặc biệt?

    Thứ nhất, thời điểm xảy ra sự kiện là ngay sau khi Trung Quốc vừa kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 18. Thứ hai, nó tiếp nối sự kiện Trung Quốc đưa “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của công dân nước này. Thứ ba, có sự khác biệt về quy mô cũng như tính chất của sự việc khi lần này Trung Quốc sử dụng một lực lượng dân sự lớn là tàu cá, thay vì tàu hải giám như năm 2011. Do đó, đây chắc chắn là sự báo hiệu của việc gia tăng đáng lo ngại các bước đi xác quyết chủ quyền trên Biển Đông với các hành động gây hấn thô bạo hơn và quy mô lớn hơn bằng tàu cá từ phía Trung Quốc.

    Mục đích của Trung Quốc không thay đổi so với trước đây, chính là đẩy mạnh thiết lập chủ quyền thực địa thông qua tàu cá. Mục đích này của Trung Quốc đã ngày càng rõ ràng hơn suốt từ sự kiện Scarborough tháng 4.2012 đến nay, với việc Trung Quốc liên tục sử dụng các lực lượng dân sự là tàu cá thay cho các tàu hải giám và ngư chính nhằm mục đích xâm phạm vùng nước chủ quyền của các quốc gia khác, thực hiện các hành động xác quyết chủ quyền trên thực địa và ngăn cản việc xác quyết chủ quyền của các bên tranh chấp khác, từ đó biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp hoặc tạo ra các “sự đã rồi” có lợi cho Trung Quốc.

    Tuy nhiên, điều này lại khiến xảy ra một hệ quả tất yếu khác đáng lo ngại hơn, đó chính là sự gia tăng đáng kể mật độ tàu thuyền trên khu vực bị phía Trung Quốc đơn phương cho là đang có tranh chấp mà cùng với đó, sẽ là sự gia tăng tỷ lệ va chạm không thể tránh khỏi. Đặc biệt, các va chạm trong tương lai sẽ khó nhận biết và khó né tránh hơn. Liệu ai dám đảm bảo rằng tàu cá Trung Quốc chỉ là tàu dân sự hay đó là lực lượng hải giám trà trộn vào? Chưa kể nếu là tàu cá bán vũ trang thì nguy cơ xung đột còn lớn hơn do khó có thể xác định và kiểm soát hành động của các tàu này.

    Do đó, việc cấp thiết nhất lúc này của chúng ta chính là đưa ra các giải pháp thực tế để có thể đối phó với bước đi vô cùng nguy hiểm nói trên của Trung Quốc.

    Trước hết là tính đúng sai. Việt Nam trước tiên phải cho thế giới thấy được rằng những việc chúng ta làm là đúng và những việc mà Trung Quốc đang làm là hoàn toàn vi phạm luật quốc tế. Cụ thể trong vụ Bình Minh 2 lần này, cần đưa ra được bằng chứng cụ thể và rõ ràng về việc tàu cá Trung Quốc làm đứt cáp thông qua các đoạn video tự quay, nếu có thể. Những bằng chứng trực tiếp này còn rất hữu ích trong việc phân định tính pháp lý đúng – sai nếu xảy ra đụng độ giữa những tàu thực thi luật pháp của hai bên. Hoặc ít nhất, nó có thể xoa dịu dư luận và khẳng định tinh thần bảo vệ chủ quyền của đất nước như những gì mà lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã làm với các tàu hải giám Trung Quốc. Minh bạch, rõ ràng và nhanh chóng ngay từ đầu là bước đi nhằm giải quyết khủng hoảng một cách khôn ngoan khi mà lẽ phải luôn đứng về phía Việt Nam.

    Vấn đề thứ hai chính là việc tăng cường hơn nữa lực lượng chấp pháp biển. Hiện nay, ngoài cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư Việt Nam cũng sắp được thành lập trực thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cả hai lực lượng này cần được đầu tư bài bản hơn để có khả năng bao quát hết các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như ngăn chặn các tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép.

    Sự kiện lần này diễn ra ngay trong vùng nước thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuy nhiên với cách giải thích của Trung Quốc như hiện nay, thì toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” là thuộc về Trung Quốc. Đụng độ có thể diễn ra ở bất cứ đâu, có thể trong vùng thuộc chủ quyền của các nước ASEAN khác. Và vì thế, Việt Nam nên cùng với các nước xung quanh Biển Đông như Philippines, Malaysia, Indonesia và cả Trung Quốc thiết lập một Hiệp định nghề cá chung giữa tất cả các nước dựa trên Hiệp định song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Philippines trước đây. Qua đó, các nước sẽ thiết lập một lực lượng chấp pháp chung nhằm kiểm soát hoạt động của tàu cá tất cả các nước có liên quan. Cũng qua đó, vùng đánh bắt sẽ được phân chia rõ ràng và lực lượng kiểm ngư hỗn hợp sẽ hoạt động hiệu quả hơn, ngăn chặn tốt hơn các vụ va chạm đáng tiếc có thể xảy ra.

    Vũ Thành Công – Nguyễn Thế Phương



    Posted by sgtt.vn on December 05, 2012 at 22:23:44:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]