Thứ Hai, 10/12/2012 - 12:10 Philippines, Trung Quốc căng thẳng trên Scarborough ở Biển Đông. “Chúng tôi sẽ nhiệt liệt ủng hộ điều đó”, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times “Chúng tôi đang tìm kiếm những nhân tố cân bằng trong khu vực và Nhật có thể là một nhân tố cân bằng quan trọng”.
Tuyên bố bất thường này có nguy cơ làm Bắc Kinh “nổi giận” song phản ánh sự báo động ở Manila trước hàng loạt động thái gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ. Tuyên bố được đưa ra ít ngày trước cuộc bầu cử ở Nhật, cuộc bầu cử có thể đưa cựu Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền. Ông Abe đã cam kết sẽ xem xét hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật và củng cố quân đội.
Một bản sửa đổi hiến pháp gần đây của Nhật đã nâng cấp Lực lượng phòng vệ Nhật thành đội quân theo đúng nghĩa, cho phép họ được tự do hoạt động hơn và có thể thay đổi cán cân quân sự ở châu Á. Mặc dù theo chủ nghĩa hòa bình song các lực lượng vũ trang Nhật không hề thiếu các vũ khí hạng nặng. Lực lượng hải quân nước này có khoảng 50 tàu cỡ lớn trong khi Trung Quốc cũng chỉ có 70 tàu.
Thái độ ủng hộ của Philippines đối với Nhật, cũng phản ánh lo ngại về một Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược trong khu vực.
Đầu tháng này, Philippines kịch liệt phản đối tuyên bố của chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, sẽ cho phép cảnh sát biển chặn xét các tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, tức gần như toàn bộ vùng biển này.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bắt đầu cấp hộ chiếu có in bản đồ “đường lưỡi bò”, lấn gần như toàn bộ Biển Đông. Động thái đã bị Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia phản đối kịch liệt. Philippines từ chối đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc để phản đối. “Philippines quyết tranh đấu đến cùng về đường chín đoạn- một tuyên bố chủ quyền quá đáng, vi phạm luật quốc tế”, ngoại trưởng del Rosario cho hay.
Các nước Đong Nam Á, lo ngại trước sự thay đổi đột ngột trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, cũng đã “mở cửa” đón Mỹ chuyển hướng trọng tâm sang khu vực. Ông Rosario cho biết Manila đã nhất trí cho tàu Mỹ ghé thăm nước này cũng như tham gia vào các cuộc tập trận chung thường xuyên hơn.
Khu vực cũng dõi theo sát căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông.
Nhưng theo giới chuyên gia, một trong những khó khăn lớn nhất là các nước trong khu vực vẫn đang phải vật lộn để có thể thành lập được một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc, nước luôn muốn giải quyết tranh chấp biển Đông theo kiểu “từng chiếc đũa” chứ không phải là “cả bó đũa”. Tháng 6 vừa qua, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên không thể đưa ra được thông cáo chung, sau khi Campuchia từ chối đưa các cuộc tranh chấp gần đây với Trung Quốc vào bản thông cáo, mà theo nhiều nguồn tin là do tác động của Trung Quốc.
Trong khi đó, vào tháng 7, Nhật và Philippines đã ký một thỏa thuận 5 năm nhằm củng cố hợp tác quân sự qua trao đổi nhân sự và công nghệ. Nhật theo đó sẽ cung cấp 12 tàu tuần tra mới cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, hỗ trợ tài chính qua các khoản vay mềm cùng viện trợ. Phan Anh
|