Nhiều báo Việt Nam bị 'đì' vì đăng tin cắt cáp sai chỉ thị
Bản tin Petrotimes đã sửa lại là “gây đứt cáp.” Bản tin đầu viết là “cắt cáp.” (Hình: Người Việt)
Theo nguồn tin, trong số các báo này có mấy báo bị phê nặng là Lao Ðộng, Pháp Luật thành phố Sài Gòn, Tuổi Trẻ... “Họ còn được nghe giảng giải là không khéo rồi chiến tranh nổ ra, con em chúng ta lại hy sinh xương máu không cần thiết như năm 1979...” Bản tin của Ba Sàm cho biết Bộ 4T “sẽ lên danh sách các báo, sẽ có những hình thức kỷ luật, trong đó có cả kỷ luật đảng” cho cả tờ báo và các cá nhân liên quan đến các bản tin. Chủ tọa các cuộc họp “giao ban” để nghe chỉ thị và phê bình này “thường là phó ban Nguyễn Thế Kỷ và Thứ Trưởng Ðỗ Quý Doãn; đương nhiên, đứng đằng sau, trước hết là Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Ðinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị CSVN, quyền cao hơn hẳn Bộ Trưởng 4T Nguyễn Bắc Son là ủy viên trung ương đảng.” Bản tin Ba Sàm trưng dẫn một báo mạng của Trung Quốc loan tin tàu đánh cá Trung Quốc lại cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam (http://bbs.tiexue.net/post_6446129_1.html) trong khi chế độ Hà Nội lại buộc hệ thống báo chí tuyên truyền của mình phải chống chế cho hành động ngang ngược và cố tình của Bắc Kinh. Báo Petrotimes của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, ngày 3 tháng 12, 2012, đưa bản tin đầu tiên nói tàu cá Trung Quốc “cắt cáp” tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 ngày 30 tháng 11, 2012 qua cuộc phỏng vấn ông Phạm Việt Dũng, phó trưởng Ban Tìm Kiếm Thăm Dò - phụ trách Văn Phòng Biển Ðông của Petro Vietnam, mà tờ báo nói “về vụ việc nghiêm trọng này.” Trên bản tin đó còn cho coi lại video clip cả cảnh tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 hồi cuối tháng 5, 2011. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, chính hãng thông tấn chính thức của Hà Nội loan tin ngày 3 tháng 12, 2012, Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã gửi công hàm phản đối hành động cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Ông Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, họp báo đổ tội cho phía Trung Quốc là “đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10 năm 2011; trái với tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Ðông (DOC) và tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình biển Ðông thêm phức tạp.” Tại sao lại có chuyện “kỷ luật” giới báo chí của chế độ “làm nóng vấn đề” và “để cho người dân bị kích động” dù đã dùng những từ ngữ rất thụ động, trong khi Bộ Ngoại Giao của chế độ lại gửi công hàm phản đối? Ðây là những tín hiệu ngược chiều khó hiểu có vẻ không nhằm đối phó với dư luận trong nước. Tuy các bản tin, bài viết trên hệ thống báo đài CSVN hầu như không có kiểm duyệt trước, lãnh đạo các tờ báo và ban biên tập phải chịu trách nhiệm tự kiểm duyệt về nội dung tin tức, bài vở của báo mình. Khi có những gì làm “ở trên” không hài lòng, tổng biên tập thường bị cách chức rồi đến những cấp dưới. Trước các hành động ngang ngược liên tiếp của chế độ Bắc Kinh trên Biển Ðông mấy tuần lễ gần đây, hàng trăm người đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc bá quyền bành trướng ở Sài Gòn và Hà Nội ngày Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012 vừa qua. Nhiều đảng viên đảng cộng sản và thanh niên, nhân sĩ, trí thức đã bị công an canh giữ tại nhà không cho đi biểu tình. Một số người ở Sài Gòn gồm ông Tương Lai, Huỳnh Tấn Mẫm, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Công Giàu và Lê Hiếu Ðằng đã ra một bản tuyên bố phản đối nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn đã “trấn áp thô bạo người yêu nước trong cuộc mít tinh chống Trung Quốc gây hấn.” Hai cuộc biểu tình vừa kể chỉ diễn ra rất ngắn ngủi thì bị lực lượng công an đông đảo áp đảo và giải tán. Hơn 20 người đã bị bắt ở Hà Nội và đưa tới trại “phục hồi nhân phẩm” Lộc Hà, thẩm vấn rồi mới thả.
|