Philippines-Việt Nam thảo luận đường dây nóng giữa hai lực lượng tuần biển

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Philippines-Việt Nam thảo luận đường dây nóng giữa hai lực lượng tuần biển
    Friday, December 14, 2012 5:03:34 PM


    Bài liên quan
    Philippines triển khai 800 TQLC bảo vệ Trường Sa

    --------------------------------------------------------------------------------


    MANILA 14-12 (NV) - Philippines và Việt Nam bàn chuyện thiết lập kênh thông tin nóng giữa lực lượng tuần tra biển của hai nước vào lúc các căng thẳng về tranh chấp biển đảo với Trung Quốc có dấu hiệu leo thang.


    Ðoàn tàu đánh cá của tỉnh đảo Hải Nam được xua xuống chạy biểu diễn ở khu vực Trường Sa hồi tháng 7 năm 2012, quanh bãi đá ngầm Chử Bích (Shubi) cướp của Việt Nam năm 1988. (Hình: AP photo)


    Ðiều này được đưa ra khi các viên chức cao cấp của Philippines và Việt Nam gặp nhau hôm Thứ Sáu 14 tháng 12, 2012 để bàn về việc chuẩn bị cho một hội nghị của Ủy Ban Hợp Tác Song Phương kỳ 7 giữa hai nước dự trù diễn ra vào năm tới.

    Các cuộc họp của ủy ban vừa kể thảo luận hợp tác nhiều mặt gồm cả quốc phòng, các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển Ðông, mậu dịch và nhiều phương diện khác.

    Bộ Ngoại Giao Philippines công bố một bản tin báo chí nói bà thứ trưởng ngoại giao Erlinda Basilio (mới được chỉ định làm đại sứ của Philippines tại Bắc Kinh) đã họp với thứ trưởng ngoại giao CSVN Phạm Quang Vinh để thảo luận về những sự chuẩn bị cho cuộc họp song phương năm tới.

    “Ủy Ban Hợp Tác Song Phương sẽ thảo luận để thi hành Kế Hoạch Hành Ðộng Phi-Việt 2011-2012 bao trùm hợp tác về mọi mặt từ chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, ngư nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường, khoa học và kỹ thuật, năng lượng, giáo dục, văn hóa và du lịch, an sinh xã hội và phát triển cũng như các vấn đề quan tâm trên biển...” Bản tin báo chí của Bộ Ngoại Giao Philippines viết.

    Ngày 26 tháng 10 năm 2011, Việt Nam và Philippines ký bản thỏa ước song phương hợp tác đa diện gồm cả chia sẻ thông tin, hợp tác hải quân, tuần duyên và duy trì an ninh trên biển Ðông khi ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang cầm đầu một phái đoàn tới Manila.

    Ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines, trong bản tin ngày 14 tháng 12 năm 2012, cho hay các vấn đề về biển Ðông (Philippines gọi là biển Tây Phi) luôn luôn được đề cập trong nội dung hợp tác trên biển giữa hai nước.

    Hernandez cho hay về các sự hợp tác trên biển, cuộc họp đã bàn đến việc thiết lập các kênh viễn thông nóng (hotline communication channels) giữa các lực lượng tuần biển của hai nước, một bản ghi nhớ về thỏa hiệp chuẩn bị, ứng cứu dầu tràn.

    Ông Hernandez cũng nhấn mạnh rằng phiên họp giữa bà Basilio và ông Vinh chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc họp song phương của Ủy Ban Hợp Tác Phi-Việt được tổ chức hàng năm nhằm thảo luận và duyệt lại mối quan hệ giữa hai nước.

    Một cuộc họp 4 nước gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia dự trù diễn ra ở Manila ngày 12 tháng 12, 2012 nhưng đã bị đình hoãn và không ai biết bao giờ sẽ họp lại. Cuộc họp nhằm thống nhất quan điểm trong các cuộc họp quốc tế liên quan đến giải quyết tranh chấp biển Ðông để tránh xung đột.

    Những tháng gần đây, Trung Quốc nói nhiều đến cái “Lưỡi Bò” trên biển Ðông với các lời lẽ coi gần hết vùng biển này là “ao nhà” của Trung Quốc dù nước họ nằm hẳn ở mặt Bắc. Báo chí của Bắc Kinh thường xuyên đe dọa cả Philippines và Việt Nam mỗi khi hai nước phản đối hành động bành trướng bá quyền của Bắc Kinh.

    Ðặc biệt, Bắc Kinh còn in bản đồ “Lưỡi Bò” bao trùm gần toàn diện biển Ðông (liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực) trên quyển hộ chiếu phát cho công dân đi ra nước ngoài, gây phẫn nộ khắp nơi.

    Mấy tuần trước, Bắc Kinh còn cho nhà cầm quyền Hải Nam ra quyết định sẽ lục soát, truy đuổi tàu ngoại quốc trong vùng biển mà họ gọi là thuộc chủ quyền của họ, kể từ đầu năm 2013 tới đây. Khi bị báo chí ngoại quốc cật vấn, nhà cầm quyền Hải Nam nói thẳng ra là nhằm đối phó với ngư dân và các loại tàu Việt Nam.

    Các ngư dân miền Trung Việt Nam vẫn tới ngư trường truyền thống quanh quần đảo Hoàng Sa mà họ đã hoạt động suốt bao nhiêu đời qua, nhưng càng ngày càng gặp khó khăn vì sự cấm cản, xua đuổi của tàu tuần Trung Quốc. Thậm chí nhiều tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị đâm chìm hoặc bắt giữ, kéo về đảo Phú Lâm rồi đòi tiền chuộc. (T.N





    Posted by nguoi-viet.com on December 15, 2012 at 07:57:32:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]