Quốc tế Ngày 19.12.2012, 05:46 (GMT+7) 2013 sẽ là năm của sự đối đầu ở châu Á?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Quốc tế Ngày 19.12.2012, 05:46 (GMT+7) 2013 sẽ là năm của sự đối đầu ở châu Á?

    SGTT.VN - Hoà bình và thịnh vượng khu vực sẽ ra sao nếu đầu năm tới Trung Quốc khám xét tàu thuyền qua lại trên Biển Đông?


    Năm 2013, đối đầu sẽ xảy ra ở châu Á khi Trung Quốc khám xét tàu thuyền qua lại trên Biển Đông? Ảnh: TL


    Mạng “Strategy Page” vừa có bài viết: theo tuyên bố của Bắc Kinh, từ 1.1.2013, tàu tuần tra Trung Quốc có thể sẽ xua đuổi tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông. Tuy nhiên, cách làm này bị nhiều nước phản đối. Vì vậy, Trung Quốc thay các tàu chiến hải quân màu xám bằng các tàu ngư chính màu trắng, có sọc thẳng màu đỏ. Với động tác này, Trung Quốc sẽ chính thức đưa bờ biển của rất nhiều hòn đảo, đá ngầm, rạn san hô không có người trên Biển Đông vào vùng mà nước này tuyên bố là “lãnh hải chấp pháp”, biến một vùng biển quốc tế rộng lớn sẽ thành lãnh hải của riêng mình.

    Bắc Triều Tiên vừa thử nghiệm thành công một loại vệ tinh mà chỉ có vài quốc gia cỡ như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Nga mới có thể thành tựu, đó là khả năng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa. Vậy là Triều Tiên đã tiến được một bước gần hơn để có thể mang bom nguyên tử xuyên Thái Bình Dương. Vào đầu tháng này, vị đô đốc tối cao của Ấn Độ cho biết, ngành hải quân của ông sẽ bảo vệ việc thăm dò dầu khí Việt – Ấn trong khu vực Biển Đông trước sự gây hấn của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang mạnh mẽ củng cố quyền lợi “thiêng liêng” của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại khu vực biển Hoa Đông. Trung Quốc với các nước ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam, vẫn đang tiếp tục tranh chấp trên Biển Đông…

    Chính sách “chuyển hướng” của chính quyền Obama sang châu Á là một tiến triển đáng lưu tâm sau nhiều thập niên Mỹ tập trung chú ý đến châu Âu và Trung Đông. Nhưng sự chuyển hướng này cũng gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung khi giới lãnh đạo mới ở Bắc Kinh xem chính sách của Obama như là nỗ lực nhằm kềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc này thì sự chuyển hướng trên vẫn thúc đẩy sự ganh đua mọi mặt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngay tại Đông Nam Á. Các tổ chức đa quốc gia trong khu vực như ASEAN đã trở thành sân chơi của những tranh chấp được dàn dựng giữa các nhà ngoại giao. Đương nhiên, sự cạnh tranh Mỹ – Trung tại Đông Á và Thái Bình Dương không có gì mới mẻ nhưng chính vì những kỷ niệm của quá khứ mà chạm trán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực Đông Á là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, tại Đông Nam Á, vì Washington và Bắc Kinh chưa có một lịch sử quan hệ lâu dài, nên xác suất của những tính toán sai lầm vẫn khá cao.

    Bấy nhiêu sự kiện kể trên cũng đủ để đặt câu hỏi: liệu 2013 là năm mà sự đối đầu sẽ xảy ra ở châu Á?

    Trung Quốc ngày nay đang nổi lên sau những điều mà đất nước này coi là 150 năm nhục nhã, bị vây quanh bởi những nước láng giềng không mấy hữu nghị, rất nhiều trong số đó là đồng minh của Mỹ. Trong bối cảnh ấy, những tranh chấp về các cụm đá trên biển có thể trở nên quan trọng như cuộc mưu sát một đại công tước, lý do trực tiếp dẫn đến chiến tranh thế giới đầu thế kỷ trước. Mặc dù các nhà quan sát lưu ý rằng kể từ sau cuộc chạm trán ngắn ngủi giữa Việt Nam và Trung Quốc vào năm 1979, từ đó đến nay chưa có cuộc chiến nào giữa các quốc gia châu Á với Trung Quốc.

    Khi Mỹ thể hiện rõ quyết tâm trở lại châu Á (và trở lại để ở lại) thì Trung Quốc cùng lúc cũng trở nên hung hãn hơn trong tư thế sẵn sàng tấn công kẻ lạ mặt lăm le vào khu vực của mình (và cả của những nhà hàng xóm!) Nếu các xu hướng tiền xung đột này không được quản lý, châu Á rất dễ rơi vào tình trạng hỗn mang.

    Như nhiều nhà phân tích đã chỉ rõ, vấn đề tối quan trọng lúc này là quốc gia nào đủ bản lĩnh để kiểm soát tình hình và đủ khả năng để “quản lý rủi ro”, những rủi ro không thể không tính đến và không thể không phát sinh từ những chiến lược tranh giành ảnh hưởng quyết liệt giữa các đại cường. Châu Á chỉ có thể phát triển trong hoà bình và đồng điệu nếu các quốc gia liên quan tôn trọng công bằng chủ quyền, luật pháp quốc tế, các quyền lợi hỗ tương và tính bất khả phân của an ninh quốc tế.

    Không khí căng thẳng này khiến dư luận nhớ lại “đêm trước” của cuộc chiến tranh thế giới nổ ra ở châu Âu. Không một ai lúc bấy giờ có lợi ích kinh tế trong xung đột nhưng Đức quốc xã không chấp nhận trật tự thế giới đã an vị trước đó. Và thế là những cơn thịnh nộ tàn bạo và phi lý của chủ nghĩa dân tộc đã “xổng chuồng”.

    Quảng Trí



    Posted by sgtt.vn on December 18, 2012 at 19:06:23:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]