Mỹ trước “vách đứng” tranh chấp biển đảo ở châu Á

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Quốc tế Ngày 19.12.2012, 06:25 (GMT+7)
    Mỹ trước “vách đứng” tranh chấp biển đảo ở châu Á

    SGTT.VN - Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ là vừa tránh gây xung đột với Trung Quốc mà vẫn bảo vệ được nguyên trạng toàn cầu nhằm đối phó với chiến thuật của Bắc Kinh là “băm các nước thành từng nhát” trên Biển Đông.

    Trung Quốc không nao núng trước những cam kết ngày càng gia tăng của Mỹ. Trong ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt


    Ngày 17.12, trong cuộc họp báo tại Tokyo, người sẽ lên làm thủ tướng xứ hoa anh đào, ông Shinzo Abe, khẳng định là không đàm phán với Trung Quốc về chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku. Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ (PLD) tuyên bố: “Quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ Nhật Bản. Nhật Bản sở hữu và kiểm soát các đảo này chiếu theo luật pháp quốc tế. Đó là điều không thể đàm phán”.

    Chính quyền Bắc Kinh đã có phản ứng ngay lập tức. Ngay trong ngày 17.12, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “rất lo ngại” về ban lãnh đạo mới của Nhật Bản và cũng khẳng định, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

    Theo một nhận định của Reuters được TTXVN trích thuật ngày 18.12, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thừa nhận tranh chấp lãnh thổ đa phương tại cả hai vùng biển trên là một trong những vấn đề hóc búa nhất của quốc tế. Cho đến nay, Mỹ hầu như chỉ mới dựa vào các hoạt động ngoại giao mang tính cá nhân và đưa ra các tuyên bố về nguyên tắc hơn là công khai gia tăng sức ép về chính trị nhằm ngăn chặn các tính toán sai lầm có khả năng dẫn tới bạo lực liên quan tới tranh chấp lãnh thổ.

    Theo Taylor Fravel, một học giả làm việc cho chương trình An ninh MIT, các động tác gần đây của Bắc Kinh phần nào thể hiện rằng, Trung Quốc không nao núng trước những cam kết ngày càng gia tăng của Mỹ. Trên thực tế, Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát Scaborough của Philippines và Bắc Kinh cũng thường xuyên thách thức khả năng kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku.

    Về mặt chính thức, Mỹ đứng trung lập trong các tranh chấp chủ quyền hiện nay và đều thúc giục các bên đối thoại. Washington không ngừng kêu gọi các bên kiềm chế, không gây trở ngại đối với tuyến hải lộ nơi qua lại của lượng hàng hoá trị giá 5.000 tỉ USD/năm.

    Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell không giấu giếm: “Đây là một trong những vấn đề khó khăn nhất của quốc tế và chúng tôi tin rằng chúng tôi đang đóng một vai trò thích hợp, luôn ở phía sau để khích lệ các bên bình tĩnh, đảm bảo duy trì hoà bình và ổn định”.

    Một vấn đề gây lo ngại khác mà các giới phân tích lưu ý: 2013 là năm Mỹ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng nếu “vách đứng tài khoá” không được giải quyết ổn thoả. Điều này có thể làm tổn hại đến niềm tin của các đồng minh châu Á đối với Mỹ và khiến Trung Quốc sẽ hành động ngày càng dữ dội hơn.

    Chuyên gia về chiến lược hàng hải thuộc trường Chiến tranh hải quân Mỹ James Homes cho rằng, tình thế tiến thoái lưỡng nan trong dài hạn của Mỹ là vừa muốn tránh gây xung đột với Trung Quốc, trong khi vẫn phải bảo vệ nguyên trạng hệ thống toàn cầu nhằm đối phó với chiến thuật của Bắc Kinh là “băm các nước thành từng nhát” trên Biển Đông (Salami Slicing in the South China Sea).

    Các chính trị gia Mỹ thừa nhận gây chiến với Trung Quốc về những tranh chấp biển đảo sẽ rất khó thuyết phục được dân chúng Mỹ vốn đang chán ghét chiến tranh. Đô đốc Samuel Locklear III, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương vừa tuyên bố với các phóng viên hồi tuần trước rằng điều quan trọng là phải đảm bảo các bên giữ bình tĩnh trước những tranh chấp và “chúng ta không cần thiết phải đưa ra lựa chọn hay thảo luận về chiến tranh”.

    Nguyễn Hoàng



    Posted by sgtt.vn on December 18, 2012 at 19:16:51:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]