[Tintuc-hoangsatruongsa]
1/1/2013 06:00
Việt Nam 2013: Hiểm họa và cơ hội
Năm 2012 qua đi, những khó khăn tăng lên, nhiều nguy cơ dần hiện hình thành hiểm hoạ đối với đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trước hết và nổi bật là hiểm hoạ đối với nền độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của Tổ Quốc.
Người Việt Nam chuộng hoà hiếu, không nuôi hận thù, không xem một thế lực nào tự thân là “kẻ thù truyền kiếp” của mình. Chúng ta càng có nhiều lý do để mong muốn “chung sống hoà bình” với Trung Hoa, quốc gia láng giềng to lớn và nhiều duyên nợ. Nhưng “cây muốn lặng mà gió chẳng dừng”, chính sách của quốc gia này đang gây ra những hiểm hoạ thực tế và trực tiếp đối với độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Rất nhiều sự kiện năm 2012 đã bộc lộ rõ rệt điều này, đến mức không ai có thể che dấu, lấp liếm.
Những mưu đồ và hành động tham lam, trắng trợn của Trung Hoa ở Biển Đông đã làm cho cả thế giới bất bình và lo lắng; Việt Nam là nạn nhân trực tiếp nhất nên càng bất bình và lo lắng hơn. Nhưng Biển Đông cũng chỉ là một phương diện trong thế “thập diện mai phục” trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hoá, tư tưởng…mà Trung Hoa đã giăng ra để khuất phục Việt Nam, hung hiểm và khó đối phó hơn.
Vấn đề không phải là đối phương có mưu đồ gì, thâm độc ra sao, mà là ở chỗ đối phó với mưu đồ đó thế nào cho hiệu quả. Rất cần sự tỉnh táo, tinh tường để nhìn đúng bản chất vấn đề, cân nhắc các yếu tố, các mối quan hệ. Cũng rất cần sự mềm mỏng, khéo léo, linh hoạt kết hợp “cương nhu”…Nhưng tất cả phải phục vụ cho mục tiêu là bảo vệ được độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của đất nước. Sách lược nào đi ngược mục tiêu đó là đầu hàng, bán nước.
Mục tiêu nói trên chỉ có thể thực hiện được nếu huy động được sức mạnh của dân tộc và thời đại. Cả hai vấn đề này đều chưa làm chưa tốt.
Sức mạnh của thời đại ngày nay không còn nằm ở “ba dòng thác cách mạng”, ở những mối quan hệ hình thức “chung lý tưởng” kiểu “đồng chí nhưng không đồng minh”…Sức mạnh thời đại nằm ở chỗ lương tri loài người đã thức tỉnh đủ mức để nhận biết và phản đối mọi mưu đồ xâm lược, áp bức và thống trị; nằm ở chỗ vận mệnh các dân tộc liên hệ chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết trong thế giới toàn cầu hoá, do đó không dân tộc nào đơn độc trong cuộc đấu tranh vì lợi ích chính đáng và phẩm giá của mình. Sức mạnh thời đại còn nằm cả ở chỗ các thế lực lớn trên thế giới theo đuổi những mục tiêu và lợi ích không đồng nhất, tạo ra tình trạng kiềm chế, khắc chế lẫn nhau, không cho phép kẻ nào đơn phương lộng hành.
Sức mạnh nào muốn phát huy tác dụng đều cần có một điểm đặt. Điểm đặt đó chính là lập trường rõ ràng, nghiêm chỉnh, công khái, kiên định và nhất quán của Việt Nam - nạn nhân và người trong cuộc. Việt Nam không thể né tránh việc công khai lên án và tố cáo mưu đồ xâm lược, phải tỏ rõ ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập, tự chủ, các lợi ích chính đáng của mình, phải có biện pháp dần thoát ra khỏi tình trạng bị vây ép từ mọi phía nhiều khi đã chót rơi vào.
Trong một thế giới đan xen nhiều lợi ích, nhiều mối quan hệ, một mặt phải tỉnh táo để không bị ai lợi dụng, mặt khác phải dám chủ động, quyết đoán tham gia “bàn cờ” quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn, không để cho chính sách của mình bị bất cứ thế lực nào bắt làm con tin. Trong tình hình thực tế hiện nay, khi Trung Hoa đã bộc lộ không dấu diềm mưu đồ và các bước đi của mình, rất cần giữ “cái đầu lạnh” không mắc mưu khiêu khích, nhưng lặp lại các luận điệu trong các khẩu hiệu cũ…là xảo ngôn và có hại về nhiều phương diện.
Chưa phát huy được sức mạnh thời đại có nguyên nhân cơ bản là do chưa phát huy được sức mạnh toàn dân tộc. Để thắng những lực lượng vật chất lớn hơn mình nhiều lần thì sức mạnh tinh thần, bản lĩnh và tài trí Việt Nam luôn là yếu tố quyết định để nhân lên, tập trung, khai thác hiệu quả nhất sức mạnh vật chất hạn chế của đất nước Sức mạnh tinh thần Việt Nam là lòng yêu nước, ý chí “thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ”, là khối đoàn kết toàn dân, “cả nước một lòng”“trên dưới một lòng”, là bản lĩnh của lực lượng lãnh đạo biết huy động, tổ chức được lực lượng toàn dân hướng vào mục tiêu chung.
Sức mạnh này vẫn chưa được phát huy mạnh mẽ trong năm 2012, thậm chí đã lộ ra không ít “tử huyệt”.
Nền kinh tế đất nước đang phải vật lộn với những căn bệnh trầm kha, hiểm nghèo về tài chính, nợ nần, cơ cấu, đầu tư, khả năng cạnh tranh, quản lý…Chính sách đối với đất đai, đối với kinh tế quốc doanh đã bộc lộ đầy đủ những khuyết điểm, gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, về chính trị- xã hội. Trong khi đó, chúng ta vẫn bị giam hãm trong tư duy cũ, bị chi phối bởi nhóm người có lợi ích trong việc duy trì hiện trạng.
Đời sống vật chất suy giảm, nhưng đời sống tinh thần suy giảm nghiêm trọng hơn còn đáng lo hơn. Văn hoá, giáo dục, y tế, dân số, bảo vệ môi trường… đều đang đứng trước nhiều vấn nạn, đang dần “tự đánh mất” chức năng và vai trò của mình. Thất nghiệp, tai nạn, tệ nạn trộm cướp, bạo lực ngày càng tăng. Gần như trở thành chuyện hàng ngày những tội ác man rợ chưa từng có và cũng “vô lý” đến khó hiểu.
Tệ tham nhũng, quan liêu dường như đang bắt rẽ sâu vào cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các tổ chức, tàn phá đất nước trên nhiều phương diện. Khối đoàn kết chính trị toàn dân ngày một trở nên lỏng lẻo hơn. Lòng tin của của người dân cũng suy giảm, trong bối cảnh công tác tư tưởng và thông tin tuyên truyền ngày càng kém hiệu quả trong việc “thống nhất nhận thưc”, “củng cố lòng tin”, “định hướng dư luận”, do xa thực tiễn, lảng tránh các vấn đề thiết thân, nóng bỏng, thiếu chân thật…
Khi bước vào năm 2012, người ta đã nhận biết những khó khăn chồng chất trước mắt, nhưng không ít người vẫn hy vọng vào năng lực của ban lãnh đạo mới được Đại hội XI bầu ra, nhất là trong việc tháo gỡ điểm nút, giải quyết“vấn đề của các vấn đề” là công tác xây dựng Đảng. Hy vọng vì thấy lãnh đạo Đảng đã mô tả khá sát đúng hiện tình Đảng, nhận biết tình chất “sống còn” của vấn đề, đã triển khai công việc với quy mô lớn, nhịp độ khẩn trương. Không ai có ảo tưởng về một sự đột biến, nhưng nhiều người hy vọng rằng những chuyển biến trong đổi mới và chỉnh đốn Đảng có thể là bước đầu, nhưng phải thực chất và có tính cơ bản.
Kết thúc bài viết đầy khắc khoải này khi giã biệt 2012, tôi không mong gì hơn là những sự kiện trong năm 2013 tới đây sẽ chứng tỏ rằng phần lớn những điều nói trong bài viết này là sai, là phiến diện không biết những thông tin sáng hơn, là hời hợt vì không thấy được xu thế đi lên, không nhận biết những mạch ngầm lành mạnh đang chuyển động dưới các hiện tượng bề ngoài.
Nhưng điều tôi tin là chuyển biến và thành quả nào cũng không tự nhiên đến, mà phải là kết quả những nỗ lực vượt bậc của toàn dân tộc, trước hết của ban lãnh đạo hiện nay và những lực lượng tinh hoa của dân tộc. Tình huống hiểm nghèo đòi hỏi bản lĩnh lớn và nhân cách lớn để đưa ra những quyết định lớn, sáng tạo, mới mẻ, để có đủ dũng cảm thực hiện đến cùng các quyết định đó.
•Bùi Đức Lại
Posted by Vietnam.net
on December 31, 2012 at 19:52:02:
[Tintuc-hoangsatruongsa]