6/1/2013 06:00 Ấn Độ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc
Biển Đông là khu vực biển bao phủ có diện tích xấp xỉ 3,5 triệu km2, và là một phần của Thái Bình Dương. Vùng biển này bao gồm hơn 200 đảo nhỏ, bãi đá nổi, đá ngầm, đa số tập trung ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Đông là một cao lộ quan trọng cho các hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông. Hơn 33% thương mại và 50% khối lượng vận tải dầu khí thế giới phải đi qua Biển Đông. Tại đây được dự báo chứa nguồn hải sản và hydrocarbon phong phú. Nhiều mỏ dầu lớn đã được phát hiện tại hầu hết các nước ven Biển Đông. Khu vực này có trữ lượng dầu đã kiểm chứng ước tính khoảng 7 tỷ thùng và sản xuất dầu trong khu vực ước tích đang đạt khoảng 2,5 triệu thùng/ngày. Trữ lượng khí tự nhiên ước tính trên dưới 7.500 km³ (266 nghìn tỷ foot khối). Là một biển kín, Biển Đông chứa đựng nhiều mâu thuẫn liên quan đến các tuyên bố chủ quyền xung đột nhau của nhiều quốc gia duyên hải. Tranh chấp Trước khi phân tích tranh chấp Biển Đông hiện nay, cần tìm hiểu Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Công ước Luật Biển 1982 có nhiều hướng dẫn liên quan đến đảo, thềm lục địa, biển kín và giới hạn lãnh thổ. Các điều khoản phù hợp áp dụng cho tranh chấp này bao gồm Điều 3, Điều 55-75, Điều 76 và Điều 121. Điều 3 quy định mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước. Điều 55-75 giải thích về khái niệm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng này, quốc gia ven biển được hưởng độc quyền trong việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều 76 xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền thuộc quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý. Quy định này có ý nghĩa quan trọng bởi nó cho phép mỗi quốc gia được khai thác thềm lục địa. Điều 121 quy định, những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế hay thềm lục địa. Trong trường hợp Biển Đông, hầu hết các bên tranh chấp đều thành lập tiền đồn quân sự để phù hợp với Điều 121 nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Công ước cũng nêu, các tuyên bố chồng lấn nên được giải quyết bằng thiện chí. Biển Đông bao gồm hơn 250 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi cát ngầm, bãi đá ngầm và doi cát, đa số đều không có người bản địa và bị ngập dưới nước khi thủy triều lên và một số ngập hẳn dưới nước. Các đảo nằm trên thềm lục địa nông với độ sâu trung bình 250 met. Tuy nhiên, tại quần đảo Trường Sa độ sâu thay đổi nhanh và tới gần rãnh Palwan thì xuống đến hơn 5.000 met. Đáy biển chứa đá granite, đá biến chất cổ sinh và trung sinh. Trong toàn bộ nhóm đảo này, chỉ có một đảo là núi lửa, còn lại toàn bộ các đảo khác được tạo nên từ các rạn san hô. Không có động vật bản địa ngoại trừ loài chim điêu và mòng biển. Khu vực chứa đựng nhiều vấn đề lãnh thổ đã được giải quyết hoặc "giải quyết một phần". Quần đảo Natuna có các mỏ khí tự nhiên của Indonesia. Khu vực không hề có tranh chấp cho tới khi Trung Quốc công bố bản đồ chính thức với ranh giới biển bao gồm cả các đảo này. Indonesia phản ứng bằng việc tiến hành một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn vào năm 1996. Từ khi đó, Trung Quốc không hề lên tiếng phản đối và hoạt động khoan khai thác khí tự nhiên không ngừng diễn ra. Tương tự, các mỏ khí tự nhiên Malampaya và Camago của Philippines cũng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, họ không phản đối việc khai thác khí gas. Ngoài ra, nhiều mỏ khí tự nhiên của Malaysia tại ngoài khơi Sarawak cũng bị Trung Quốc khẳng định chủ quyền nhưng Malaysia vẫn đang khoan khai thác mà không vấp phải sự can thiệp nào của Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc cũng đã giải quyết thành công tranh chấp Vịnh Bắc Bộ và các vấn đề tương tự cũng đã được giải quyết tại Vịnh Thái Lan. Tranh chấp còn lại hiện nay vẫn chủ yếu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trường Sa bị Trung Quốc xâm lược năm 1974 khi Việt Nam đang phải chiến đấu chống Mỹ. Quần đảo này đang bị tranh chấp và tuyên bố chủ quyền bởi tất cả các quốc gia trong khu vực. Brunei được cho là đòi chủ quyền khu vực bao gồm bãi Louisa và bãi Rifleman gần quần đảo Trường Sa với lý do các bãi này thuộc thềm lục địa Brunei. Philippines đòi chủ quyền 53 trong số các đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà nước này gọi là quần đảo Kalayaan cùng với bãi cạn Scarborough. Tương tự, Malaysia muốn chủ quyền đối với 11 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam khẳng định chủ quyền toàn bộ các đảo và bãi đá thuộc cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc và Đài Loan với một loạt hành động vô căn cứ của mình cũng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ các đảo và bãi đá trên Biển Đông. Đài Loan hiện đang chiếm giữ đảo lớn nhất, đảo Ba Bình. Tấm bản đồ Trung Quốc sử dụng để thể hiện chủ quyền được nước này gọi là bản đồ đường 9 đoạn. Trung Quốc đã ngày càng quyết liệt theo đuổi tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông. Các yêu sách của Trung Quốc dựa trên đường 11 đoạn vẽ ra bởi chính phủ Quốc dân đảng vào năm 1947. Các tuyên bố này được đội khảo sát Trung Quốc đưa ra sau đại chiến thế giới thứ hai với kết luận toàn bộ các khu vực quan trọng ở Biển Đông là của Trung Quốc. Bản đồ này được xuất bản giữa lúc Trung Quốc đánh thắng Nhật và Việt Nam bị Pháp đô hộ, Philippines bị chao đảo bởi chiến tranh và các nước còn lại vẫn nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh. Có lẽ, Quốc dân đảng đã toan tính rằng bản đồ của mình sẽ không bị phản đối do một loạt các xáo trộn diễn ra sau khi kết thúc thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, đến năm 1953, Trung Quốc tham gia chiến tranh Triều Tiên và quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào trận Điện Biên Phủ giống như nhiều quốc gia ASEAN khác đang nỗ lực giành độc lập, Trung Quốc đã rút ngắn đường biên giới trên bản đồ đó xuống còn 9 đoạn. Sau đó, bất chấp sự kịch liệt phản đối của Việt Nam, Trung Quốc vẫn đưa quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, giữa lúc Việt Nam đang dồn hết sức cho trận chiến với quân đội Mỹ ở Miền Nam Việt Nam. Trong cuộc xâm lược của Trung Quốc này, 17 lính bảo vệ quần đảo của Việt Nam đã hy sinh. Kể từ ngày đó, Trung Quốc chiếm giữ luôn quần đảo này. Những năm 1980, Trung Quốc cải thiện quan hệ với cộng đồng quốc tế do Mỹ đứng đầu. Một kế hoạch khảo sát chung mực nước biển toàn cầu được Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học của UNESCO thông qua vào tháng 2/1987, dưới sự ủy quyền của chính phủ Trung Quốc đã thành lập 5 trạm quan trắc hải dương. Trạm Nam Sa của Trung Quốc đặt tại bãi đá ngầm Vĩnh Thử. Đầu tháng 2/1988, Trung Quốc tiến hành xây dựng Đài quan sát số 74 trên bãi Vĩnh Thử. Việt Nam phát hiện hoạt động này và đưa quân đội tuần tra quần đảo Trường Sa.... Sau đó, Trung Quốc đã dùng súng chống máy bay 37 mm bắn phá. Khoảng 80 bộ đội Việt Nam hy sinh trong vụ đụng độ này. Tiếp đến, Quân đội Trung Quốc đánh chiếm một số đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam kiên quyết bám trụ các đảo còn lại trên rạn san hô đó, tàu chiến Trung Quốc buộc phải rút lui. Tháng 7/2010, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton kêu gọi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giải quyết tranh chấp lãnh thổ này. Trung Quốc đáp lại, Mỹ nên tránh xa vấn đề. Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tuyên bố ngày 18/8/2010 phản đối việc sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông và lên án hành vi hung hăng của Trung Quốc. Vấn đề tiếp tục âm ỉ và đến tháng 5/2011, tàu hải quân Trung Quốc lại tấn công và cắt cáp tàu khảo sát địa chất Việt Nam. Trung Quốc phản đối hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ Ngày 22/7/2011, INS Airavat, một tàu đổ bộ tấn công của Ấn Độ có chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam. Tàu liên tục nhận được cảnh báo bằng tần sóng phát thanh mở của tàu xác định là của hải quân Trung Quốc nói rằng tàu Ấn Độ đang đi vào vùng biển Trung Quốc, mặc dù trên thực tế tàu chỉ hoạt động cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý. Hải quân Ấn Độ khẳng định không nhìn thấy tàu hay máy bay nào từ tàu Ấn Độ và tiếp tục hoạt động bất chấp các cảnh báo vừa nhận được. Tiếp đến, Ấn Độ cũng khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông. Tháng 9/2011, Ấn Độ và Việt Nam ký một thỏa thuận thăm dò khai thác dầu khí trên Biển Đông. Chi nhánh đầu tư nước ngoài ONGC Videsh Limited của tập đoàn dầu khí ONGC Ấn Độ vừa ký hợp đồng 3 năm với Petro Vietnam về phát triển hợp tác dài hạn trong lĩnh vực dầu khí. Tiếp đó, công ty này chấp nhận đề nghị thăm dò một số lô dầu khí trên Biển Đông của Việt Nam. Thỏa thuận này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc khi nước này quả quyết không hoạt động thăm dò nào được phép tiến hành trong các khu vực mà Trung Quốc "có quyền chủ quyền". Chính phủ Ấn Độ khẳng định bất chấp tuyên bố của Trung Quốc, Ấn Độ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đã ký với Việt Nam. Tuyên bố của Trung Quốc bị cả Ấn Độ và Việt Nam phản đối, và theo LHQ, khu vực thăm dò này hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. Ấn Độ kiên quyết khẳng định ONGC sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí trên Biển Đông. Ngoài ra, Ấn Độ cũng nêu rõ, toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương trải dài từ bờ biển Tây Phi đến Biển Đông có vai trò quan trọng đối với hoạt động ngoại thương, năng lượng và an ninh quốc gia của Ấn Độ. Việt Nam cũng kiên định trong vấn đề này và tháng 7/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật phân định biên giới biển Việt nam, quy định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" Diễn biến mới đây trong tranh chấp là việc Trung Quốc thành lập một thành phố cấp tỉnh với tên gọi "Tam Sa" tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 24/7/2012, "thành phố" này chính thức được khánh thành là trung tâm hành chính quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Trụ sở thành phố đặt tại đảo Phú Lâm của Việt Nam với khoảng 1.000 dân cư hiện đang sinh sống. Đây là đảo lớn nhất trong quần đảo và có diện tích khoảng 5 dặm vuông. Đảo có một sân bay xây dựng tháng 7/1990 với đường băng 2.700 met. Sân bay có khả năng tiếp nhận máy bay Sukhoi Su-30. Trên đảo Trung Quốc cũng xây dựng một trạm cảnh sát biển và một bệnh viện. Bất chấp việc Việt nam luôn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc vẫn quyết xây bằng được cơ sở hạ tầng hòng đánh chiếm các đảo này bằng quân sự. Trong khi đó, Đài Loan đang chiếm giữ đảo lớn nhất của Biển Đông, đảo Ba Bình. Giải quyết tranh chấp Tất cả các quốc gia, đặc biệt là Mỹ và ASEAN muốn giải quyết vấn đề hòa bình. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở tay đôi nhưng chưa đạt được thành công nào. Việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực bị Việt Nam đặc biệt phản đối và Việt Nam đã chứng minh có đủ tiềm lực quân sự và sẽ chống trả việc sử dụng vũ lực một cách sáng suốt. Câu hỏi rõ ràng đang nảy sinh là có những lựa chọn nào cho giải quyết tranh chấp Biển Đông. Nói rộng ra, có hai lựa chọn. Trước hết là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương. Trong trường hợp không đạt được thành công nào thông qua đàm phán, các bên có thể sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác như hòa giải, trọng tài. Do đây là tranh chấp chủ quyền, nên sẽ rất khó để áp dụng phương thức nào của bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của các bên liên quan. Hơn nữa, Trung Quốc đã thực hiện quyền theo điều 298 Công ước LHQ về Luật Biển không tham gia giải quyết tranh chấp ràng buộc bắt buộc. Do đó, vụ việc không thể đưa ra trước Tòa án quốc tế về Luật Biển. Lựa chọn khác là bỏ qua các vấn đề chủ quyền và tiến hành cùng nhau khai thác các khu vực tranh chấp. Khai thác chung đã mang lại những kết quả rõ rệt giữa Malaysia và Thái Lan (1979-1990), Malaysia và Việt nam (1992) cũng như giữa Australia và Đông Timor (2002). Vấn đề cũng có thể áp dụng cho Khu vực tranh chấp. Thuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ các tuyên bố của mình. Do đó, giải pháp cùng nhau khai thác có thể xem xét. Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giải quyết tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề biên giới sau các đàm phán sau các cuộc đàm phán kéo dài để lợi dụng thời gian tạo lợi thế cho mình. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 và nhận được sự phản đối chưa đủ mạnh của Việt Nam do đang phải dồn lực cho cuộc chiến thống nhất đất nước. Nhưng Việt nam sẽ đấu tranh vì quyền lợi của mình và tìm kiếm một giải pháp đúng đắn. Kết luận Giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có muốn làm rõ các tuyên bố của mình và sẵn sàng tham gia đàm phán với các bên khác hay không. Điều này có thể xảy ra khi các kết quả thăm dò dầu khí được hoàn tất trong khoảng 5 năm tới, cho phép Trung Quốc mở không gian cho các quốc gia khác. Ấn Độ đã giữ quan điểm đúng đắn về thăm dò dầu khí trong khu vực và sẽ kiên định lập trường của mình. Điều đó đã gửi đi một tín hiệu đến Trung Quốc rằng họ đang đối đầu với một quốc gia có thể chống lại Trung Quốc vì lợi ích năng lượng của mình. Cho tới nay, tất cả các bên tranh chấp đều đang chờ đợi xem Trung Quốc sẽ làm rõ các tuyên bố của mình ra sao. Trâm Anh theo Indian Defence Review
|