Philippines không khoan nhượng Trung Quốc Theo các chuyên gia, việc Philippines tuyên bố kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS) mang ý nghĩa quan trọng đối với nước này.
TS James Holmes (Trường Chiến tranh hải quân - Mỹ): Một loạt các hành vi phi pháp không bị chống đối trong suốt thời gian dài sẽ nghiễm nhiên được coi là hợp pháp. “Đường lưỡi bò” bao trọn biển Đông của Trung Quốc sẽ vô hình trung được thừa nhận nếu các nước khác có tranh chấp không liên tục lên tiếng phản đối. Vì vậy tôi cho rằng ngay cả khi ITLOS không thực thi được phán quyết thì việc Philippines kiện Trung Quốc là rất cần thiết. Ít nhất, nó giúp cộng đồng quốc tế hiểu rằng tranh chấp vẫn còn để mở và không xuôi theo những gì Bắc Kinh tuyên truyền bấy lâu nay.
Nếu Trung Quốc cương quyết không đến dự thì phiên tòa có diễn ra được không và nó có ý nghĩa như thế nào?
Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, đại diện của ITLOS (trụ sở tại Hamburg - Đức) cho hay vẫn chưa nhận được hồ sơ vụ kiện từ Philippines. “Chỉ khi nào chính thức nhận hồ sơ, chúng tôi mới tiến hành thủ tục để xem xét có mở phiên tòa hay không cũng như chỉ định thành viên trong hội đồng xét xử”, đại diện này nói.
Các nước khác cũng có tranh chấp tại biển Đông sẽ đón nhận vụ kiện này như thế nào, thưa ông? TS Valencia: Cần chờ xem những diễn biến tiếp theo. Trung Quốc có thể sẽ phản ứng dữ dội. ITLOS có thể sẽ không xử. Hay những nỗ lực của các bên phút cuối sẽ trở thành công cốc. Tuy nhiên, có vẻ như thái độ của Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng. GS Thayer: Theo tính toán của Philippines, vụ kiện có thể sẽ kéo dài 4 năm. Phán quyết cuối cùng sẽ có ý nghĩa quan trọng cho các nước tranh chấp khác. Từ bây giờ, Trung Quốc có 30 ngày để phản hồi và cử đại diện tham dự hội đồng xét xử của phiên tòa (hội đồng này có tất cả 5 người). Nếu Bắc Kinh không có ý kiến, Chủ tịch ITLOS sẽ có quyền bổ nhiệm 4 người trong hội đồng này. Theo tôi biết, Philippines đã đề cử đại diện của mình vào hội đồng.
AFP ngày 23.1 dẫn lời TTK LHQ Ban Ki-moon kêu gọi một sự dàn xếp trên tinh thần hòa giải về tranh chấp giữa Trung Quốc với các thành viên ASEAN tại biển Đông. Khi được hỏi về phản ứng của LHQ trước việc Philippines yêu cầu tòa án quốc tế phân định chuyện Trung Quốc đòi chiếm gần hết biển Đông, ông Ban khẳng định sẵn sàng “cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia để giải quyết vụ kiện, nhưng điều quan trọng là mọi vấn đề cần phải được phân định bởi các bên liên quan”. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 23.1 tuyên bố động thái của Philippines “chỉ làm phức tạp thêm tình hình”, theo Reuters. Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Úc Julia Gillard đề cập quan ngại ngày càng tăng của nước này về khả năng leo thang căng thẳng tại những khu vực đang có tranh chấp tại châu Á - Thái Bình Dương như biển Đông và Hoa Đông cũng như các hành động của Trung Quốc. Tờ The Australian cũng dẫn lời bà Gillard trình bày Chiến lược an ninh quốc gia trong 5 năm tới. Theo đó, Úc sẽ hướng trọng tâm an ninh về châu Á cũng như siết chặt quan hệ với Mỹ. H.G
|