VN ủng hộ Philippines kiện TQ?

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    VN ủng hộ Philippines kiện TQ?
    Cập nhật: 07:49 GMT - thứ sáu, 25 tháng 1, 2013

    Việt Nam và Philippines là hai nước ASEAN ở 'tuyến đầu' trong tranh chấp với Trung Quốc về biển đảo
    Lần đầu tiên Việt Nam đã có phản ứng chính thức về việc Manila đưa Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế để phân xử về yêu sách đường chín đoạn của nước này trên Biển Đông.

    Tuy nhiên, phản ứng chính thức của Việt Nam không phải do người phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra như thông lệ mà là phát biểu của một vị cấp phó của Ủy ban biên giới quốc gia vốn cũng là một cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao.

    ‘Quyền của Philippines’
    Thông cáo được Bộ Ngoại giao phát đi hôm thứ Năm ngày 24/1 cho biết khi bị phóng viên chất vấn về phản ứng của Việt Nam trước việc Manila chính thức khởi kiện Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông, ông Nguyễn Duy Chiến đã nói rằng ‘các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp’.

    Phát ngôn này cho thấy lập trường của Việt Nam đã ủng hộ ‘giải pháp hòa bình’ ở tòa án của Chính quyền Philippines.

    Ông Chiến cũng nhắc lại ‘lập trường nhất quán’ của Việt Nam là tranh chấp Biển Đông ‘phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982’.

    Ngoài ra, thông cáo của Bộ Ngoại giao cũng cho biết phóng viên đã hỏi phản ứng của ông Chiến về việc Cục đo vẽ bản đồ quốc gia Trung Quốc sắp phát hành ‘Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa’ và ‘Bản đồ địa hình Trung Quốc’ vào cuối tháng Giêng năm nay có vẽ yêu sách ‘đường lưỡi bò’ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, theo như báo chí nước này đưa tin.

    Ông Chiến trả lời rằng hai bản đồ trên là ‘phi pháp và vô giá trị’.

    “Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị,” ông phát biểu.

    Ông Chiến khẳng định ‘Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982’.

    Bắc Kinh phê phán
    Trung Quốc đã đưa đường lưỡi bò lên tất cả các bản đồ của họ
    Quan điểm của Việt Nam muốn ‘giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế’ cũng được Ngoại trưởng Phạm Bình Minh xác nhận với BBC trong chuyến thăm đến London tuần này.

    Điều này cũng được lặp lại trong Tuyên bố chung Anh-Việt sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

    Trước đó hai ngày vào hôm thứ Ba ngày 22/1, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario đã thông báo nước ông quyết định đưa tranh chấp quanh Bãi cạn Scarborough và Đường lưỡi bò của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế.

    Theo đó, Manila đệ đơn lên Tòa trọng tài trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) để khiếu nại về các vi phạm của Trung Quốc đối với vùng biển chủ quyền của Philippines, cùng các cấu thành như thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế đã được UNCLOS quy định.

    Philippines cũng yêu cầu Tòa trọng tài phán quyết rằng yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông là bất hợp pháp.

    Sau đó chỉ một ngày, Bắc Kinh đã có phản ứng qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi rằng các tranh chấp trên Biển Đông chỉ nên được các quốc gia có liên quan trực tiếp giải quyết với nhau.

    Ông Hồng yêu cầu Manila ‘không làm phức tạp tình hình’.

    Cho đến nay Trung Quốc vẫn kiên quyết chỉ đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp và phê phán động thái vừa qua của Philippines.

    ‘Việt Nam thận trọng’Thạc sỹ Hoàng Việt, người lâu nay vẫn theo dõi hồ sơ Biển Đông, bình luận với BBC rằng Việt Nam đang rất thận trọng trước hành động mới của Manila mặc dù nước này ủng hộ phương thức đưa tranh chấp ra tòa của Philippines.

    Bộ trưởng ngoại giao VN nói về biển Đông

    Ông Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn của BBC về chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với tranh chấp trên Biển Đông.

    Xemmp4

    Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

    Bấm vào đây để tải Flash Player mới nhất

    Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
    “Việt Nam vẫn đang xem xét từng bước đi như thế nào,” ông nói, “Các chuyên gia Việt Nam vẫn đang cân nhắc mức độ thành công của từng vấn đề như thế nào để vạch các bước đi tiếp theo của Việt Nam.”

    Khi được hỏi Việt Nam có nên bày tỏ thái độ ủng hộ Manila rõ ràng trong vụ kiện này hay không, ông Việt nói: “Lên tiếng thì lên tiếng về vấn đề gì? Chỉ ủng hộ giải quyết bằng biện pháp hòa bình thế thôi.”

    Ông cũng cho rằng Hà Nội ‘học được rất nhiều từ Manila’ vì cả hai nước đều trong tình trạng bị đường lưỡi bò xâm phạm.

    “Nếu Philippines thắng thì yêu sách đường lưỡi bò bị giáng một đòn nặng nề nên sẽ có lợi cho Việt Nam rất nhiều,” ông nói, “Đó là sự cổ vũ cho các quốc khác có tranh chấp với Trung Quốc.”

    Động thái này của Manila, ông Việt nhận xét, đã mở ra ‘một bước ngoặt lớn’ trong tranh chấp Biển Đông vì gần đây ‘gần như bế tắc trước hành động của Trung Quốc’.

    Theo ông Việt thì Philippines ‘đã nghiên cứu và nắm được phần thắng lớn thì mới đưa ra tòa’.

    Ông phân tích rằng Manila đã tính toán trước sự không đồng ý ra tòa của Trung Quốc để kiện Trung Quốc như thế nào mà Trung Quốc buộc phải ra tòa.

    “Vì Trung Quốc sẽ khước từ thẩm quyền của tòa vì họ cho rằng đường lưỡi bò liên quan đến quyền lịch sử không được nhắc đến trong Unclos (Công ước quốc tế về Luật Biển) nên tòa không có quyền phán quyết,” ông giải thích,

    “Manila có thể nại ra rằng đường lưỡi bò của Trung Quốc có phù hợp với Unclos không và yêu cầu tòa tuyên bố đường lưỡi bò trái Unclos nên vô hiệu.”

    Nếu tòa tuyên bố như thế thì, theo ông Việt, ‘sẽ là bước tiến rất lớn’. Nhưng nếu tòa chỉ cần khước từ không giải quyết vì không đủ thẩm quyền thì ‘Trung Quốc sẽ có cớ làm mạnh hơn’ yêu sách đường lưỡi bò, ông nói.




    Posted by bbc on January 25, 2013 at 19:00:12:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]