Ngày 28.01.2013, 11:27 (GMT+7) SGTT.VN - Là hai nước “tuyến đầu”, Việt Nam ủng hộ Philippines và đương nhiên chuẩn bị đối phó với nhiều tình huống bất ngờ khác. Ngày 26.1, tuyên bố tại Diễn đàn Davos, Tổng thống Philippines Begnino Aquino cho biết, ông đã tham vấn các nghị sĩ và hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Ramos và Estrada, trước khi quyết định kiện Trung Quốc ra toà án trọng tài. Hai ngày 23 – 24.1 vừa qua, cả hai viện của Quốc hội đã thông qua nghị quyết ủng hộ mạnh mẽ vụ kiện Trung Quốc, đồng thời kêu gọi toàn dân ủng hộ chính phủ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bộ Ngoại giao Philippines cũng kêu gọi các cơ quan và doanh nghiệp hàng hải ủng hộ đơn kiện Trung Quốc ra trước Liên hiệp quốc. Công khai và cương quyết Để giải thích cho nhân dân hiểu rõ quyết định này, bộ Ngoại giao Philippines từ ngày 23.1 đã đăng trên website của mình bản hỏi – đáp liên quan đến vấn đề tố tụng.
Là thành viên ASEAN, lại ở “tuyến đầu” trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, kiên cường chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc, lần đầu tiên, Việt Nam đã có phản ứng chính thức về việc Manila đưa Bắc Kinh ra toà trọng tài quốc tế để phân xử về yêu sách đường chín đoạn phi pháp (đường lưỡi bò Trung Quốc) trên Biển Đông. Phản ứng của Việt Nam cuối tuần qua, không phải do người phát ngôn bộ Ngoại giao đưa ra như thông lệ, mà là phát biểu của một quan chức trong uỷ ban Biên giới quốc gia nhưng vẫn là một cơ quan thuộc bộ Ngoại giao. Ngày 24.1, bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến việc Manila chính thức khởi kiện Bắc Kinh là hành động “các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn biện pháp hoà bình để giải quyết các tranh chấp”. Phát ngôn này cho thấy Việt Nam ủng hộ giải pháp hoà bình ở toà án quốc tế của Philippines. Đây là một quan điểm tích cực, nếu đem so với thái độ tiêu cực của Trung Quốc trong vấn đề này. Bắc Kinh phản ứng qua tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng, các tranh chấp trên Biển Đông chỉ nên giải quyết trực tiếp thông qua các nước có liên quan và yêu cầu Manila “không được làm phức tạp thêm tình hình”. Trung Quốc kiên quyết chủ trương đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp, chống lại quan điểm đa phương. Việt Nam, ngược lại tái khẳng định quan điểm cần “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã xác quyết lập trường này nhân chuyến thăm châu Âu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Minh tuyên bố “giải quyết tranh chấp trên Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế”. Khẳng định này còn được thể hiện qua “Tuyên bố Việt – Anh” và các tuyên bố chung trước đó với các đối tác châu Âu khác. Cũng chính là mục tiêu của Việt Nam Điều Philippines đang hướng tới cũng chính là mục tiêu tranh đấu của Việt Nam. Khi Philippines tìm đồng thuận tối đa cho vụ kiện thì các hình thức vận động như “xã hội hoá”, “pháp lý hoá” và “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông là những kinh nghiệm giá trị. Các tuyên bố chung giữa Việt Nam với Bỉ, Ý, Anh và EU trong chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng đòi thực thi DOC, thúc đẩy để sớm có được COC và sẵn sàng cho mọi tình huống khác. Tăng cường liên hệ đối tác chiến lược đã hình thành, xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược mới, mở rộng hợp tác không chỉ trên địa hạt kinh tế, mà sang cả các lãnh vực an ninh, quốc phòng… Việt Nam hiện là quốc gia thứ ba ở châu Á vừa nâng bang giao song phương với Ý lên tầm “đối tác chiến lược” (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Từ đây, khái niệm “an ninh hàng hải” trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác sẽ có nội hàm rộng lớn. Sau cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thủ tướng Ý Mario Monti, thoả thuận giữa giám đốc công ty dầu khí Ý ENI với chủ tịch tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã được ký kết tại Rome. Bên cạnh Ấn Độ, Nga và Anh, từ nay thêm Ý là đối tác chiến lược có công ty làm ăn trên Biển Đông cùng Việt Nam… Cuộc đấu tại toà án quốc tế được Philippines, theo nhiều ý kiến, lần này chuẩn bị khá công phu và hy vọng nắm phần thắng thì mới “điệu” Trung Quốc ra toà. Chẳng ai ảo tưởng Trung Quốc sẽ “rút yêu sách lưỡi bò”, nhưng đây là lần đầu, gót chân Achille của Bắc Kinh bị vạch trần trước công lý. Chỉ cần toà tuyên bố “đường lưỡi bò và các luật nội địa của Trung Quốc như cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông là không phù hợp với UNCLOS”. Vẫn biết phán quyết này không có các biện pháp bảo đảm thực thi, nhưng “phần thắng” ở đây không phải là hiệu lực của phán quyết. Trung Quốc sẽ đánh mất hiệu lực tuyên truyền về cái gọi là “trỗi dậy hoà bình” và xuất hiện trước bàng dân thiên hạ như một nước lớn nhưng không tôn trọng luật pháp quốc tế.
|