Châu Á mùa biển động

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    Thứ 3, 5/2/2013, 0:6 GMT+7
    Châu Á mùa biển động

    Dù không ai muốn nhìn thấy xung đột ở châu Á, nhưng những dự đoán bi quan và lo lắng chiến tranh đang lớn dần từng ngày. Bóng ma ám ảnh lục địa là sự trỗi dậy địa-chính trị của Trung Quốc.

    Lãnh đạo TQ khẳng định chính sách biển
    Hạm đội hải quân TQ tiến vào Biển Đông
    Quân đội TQ có những vũ khí gì?



    Ảnh: wordpress


    Chính phủ các nước xa gần đang dõi theo sự quả quyết của một siêu cường trên vũ đài quốc tế, thách thức vị thế mà nước Mỹ thiết lập kể từ năm 1945. Một số nước còn vướng vào tranh chấp với Bắc Kinh, các vùng biển trong khu vực sôi lên vài năm gần đây bởi sự gây hấn của Trung Quốc ở các vùng biển phía nam và phía đông. Quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước sụt giảm mạnh.

    Bầu không khí nóng bỏng của căng thẳng đủ để so sánh với thời khắc nguy hiểm cách đây một thế kỷ. Ở những bình luận riêng rẽ tuần này, hai cựu ngoại trưởng châu Á đã so sánh, lục địa này giờ đây giống như châu Âu trước Thế chiến I, bởi sự tồn tại phức tạp của những liên minh và thù địch. Biển Đông - một vùng biển chiến lược tối quan trọng mà Trung Quốc coi như “hồ nhà” giống như vùng Balkan 100 năm trước - một mồi lửa có thể châm ngòi cho đám cháy lớn trong khu vực, nếu không nói là cuộc chiến toàn diện.

    Kevin Rudd - cựu thủ tướng và ngoại trưởng Australia cho rằng: “Giống như Balkan một thế kỷ trước, dẫn dắt bởi những liên minh, lo lắng, thù hận và khối liên minh chồng lấn, môi trường chiến lược tại Đông Á rất phức tạp. Có ít nhất 6 quốc gia hay vùng lãnh thổ liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, ba trong số đó là đối tác chiến lược thân cận của Mỹ”.

    Những quy định của cuộc chơi đang thay đổi trong khu vực và sự bất ổn, bất an đã tạo ra nguy cơ những cuộc đối đầu. Yoon Young-kwan, một cựu ngoại trưởng Hàn Quốc chỉ ra rằng: “Trở lại một thế kỷ trước, khi quyền lực nước Anh tương đối suy giảm, trong khi Đức trỗi dậy kể từ thống nhất đất nước năm 1871. Tương tự như thế, ít nhất về phương diện kinh tế, Mỹ và Nhật Bản dường như bắt đầu tiến trình đi xuống so với Trung Quốc. Những sai lầm nghiêm trọng về đối ngoại của một số nhà lãnh đạo chủ chốt, việc kiểm soát không tốt các mối quan hệ quốc tế trong những thời khắc quan trọng thường dẫn tới các cuộc chiến lớn".

    Tuần trước, Tokyo đã gửi một phái viên mang bức thư từ Thủ tướng Shinzo Abe trao cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập nhất trí sẽ xem xét đề xuất một hội nghị thượng đỉnh bàn về tranh chấp lãnh thổ. Trong khi những ngôn từ chiến tranh gây ra nhiều hoang mang, thì rõ ràng ở đây có những lý do đáng để lo lắng.

    Một trong số đó là chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao trong khắp khu vực. Từ Nhật Bản tới Ấn Độ và hầu hết mọi nơi, các tuyên bố hiếu chiến, cứng rắn liên tiếp được đưa ra. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thề không thỏa hiệp về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc bất chấp sự chồng lấn với nước khác, một số sĩ quan quân đội Trung Quốc giờ đây có thể công khai việc "đánh phủ đầu" và "những cuộc chiến nhanh chóng, chớp nhoáng".

    Tuy nhiên, chương trình nghị sự chính của Trung Quốc vẫn là các vấn đề trong nước - khi phải đối mặt với những áp lực to lớn để duy trì tăng trưởng, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và nhu cầu cởi mở chính trị hơn. Một sự khuếch trương sức mạnh trong đối ngoại có thể là "van giảm áp" những căng thẳng trong nước.

    Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tuần trước đã đề cập tới "sự tỉnh thức số phận" của người dân Trung Quốc. Ông Lý nói "đó là một lực lượng áp đảo". "Các nước láng giềng đều lo ngại rằng, Trung Quốc có thể muốn khôi phục vị trí bá chủ đế quốc mà họ từng có trong những thế kỷ trước".

    Đó là một chương khác trong lịch sử mà không láng giềng nào của Trung Quốc mong muốn lặp lại.

    Thái An (theo Time)





    Posted by vietnamnet.vn on February 04, 2013 at 18:53:08:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]