Thứ ba, 26/2/2013, 06:01 GMT+7 Sau nhiều tháng đấu tranh ngoại giao cả đa phương và song phương, Philippines đang thực hiện cách làm mới để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, và tình hình dự báo sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới. Sau bế tắc ngoại giao tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)trong nhiệm kỳ mà Campuchia – một đồng minh tin cậy của Trung Quốc trong khu vực giữ vai trò chủ tịch, thì khó có thể mong chờ một giải pháp đa phương có tính chất quyết định và nhanh chóng trong năm nay. Brunei, một nước trung lập hơn, sẽ nắm giữ cương vị này trong năm 2013. Dựa trên các diễn biến và kết quả của các hội nghị thượng đỉnh và các cuộc gặp gỡ ở tầm khu vực năm ngoái, Philippines đã nhận thấy rằng Trung Quốc sẵn sàng tận dụng các đòn bẩy có sức công phá nhiều chiều của mình để ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm thống nhất quan điểm của khối ASEAN về tranh chấp trên biển. Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm các tranh chấp nên được giải quyết chỉ thông qua các cơ chế song phương. Đồng thời, lợi ích kinh tế cũng dẫn đến gia tăng tranh chấp. Cục quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Biển Đông hiện có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên. EIA cũng cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy một lượng dự trữ đá cháy khổng lồ tập trung ở khu vực quần đảo Trường Sa, đặc biệt là xung quanh khu vực Bãi Cỏ Rong đang có tranh chấp. Nếu dự báo trên của EIA là đúng, một trữ lượng rất lớn dầu và khí đốt chưa được khai thác trong vùng biển gần Philippines, nước hiện chỉ tự túc 60% năng lượng tiêu thụ và 40% còn lại dựa vào việc nhập khẩu dầu mỏ và than từ các nước láng giềng và Trung Đông. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng táo tợn thách thức cả hai nước đồng minh chiến lược của Philippines là Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cho thấy rằng nước này đã lên kế hoạch chi tiết thâu tóm toàn bộ tiềm lực năng lượng này để đảm bảo an ninh kinh tế và năng lượng. Sự kiện tàu Trung Quốc và tàu Philippines đụng độ hồi tháng 3/2011 chính là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng biện pháp đe dọa có giới hạn để tranh giành các nguồn năng lượng. Việc Trung Quốc thách thức Nhật Bản để tranh giành chủ quyền đảo Senkaku hay còn gọi là đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cộng thêm việc quân đội Trung Quốc bị cáo buộc đứng đằng sau các vụ tin tặc tấn công Mỹ chính là nguyên nhân khiến Philippines lo lắng. Manila duy trì quan hệ đối tác chiến lược với cả Tokyo và Washington, các mối quan hệ mà Tổng thống Benigno Aquino dốc lòng bảo vệ để bù trừ lại sự chênh lệch với Trung Quốc. Chính quyền của ông Aquino gần đây lại kêu gọi hai cường quốc nói trên viện trợ quân sự diện rộng, giúp tập huấn và nâng cao quân đội. Phillipines đang tích cực chạy đua vũ trang thông qua việc mua sắm và kêu gọi viện trợ quân sự từ nước ngoài, cụ thể như máy bay chiến đấu, tên lửa chống tàu, tàu tuần tra, máy bay trực thăng hải quân để củng cố việc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, Philippines không có ý định đối đầu trực tiếp với người láng giềng khổng lồ trong tương lai gần. Thay vào đó, Manila vẫn tiếp tục áp dụng chiến lược “dương Đông, kích Tây” nhằm mục đích ngăn chặn hành động của Trung Quốc bằng việc quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp thông qua Liên Hợp Quốc, trong khi củng cố quân đội thông qua thắt chặt các mối quan hệ với các nước đồng minh. Lợi ích của Philippines Sự thức tỉnh này đúng vào lúc quốc đảo Đông Nam Á đang trên đà phát triển. Philippines là một trong 10 nước phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, với GDP ước tính tăng hơn 6% trong năm nay. Sau những thập niên tê liệt chính trị và tham nhũng cố hữu, người dân tin tưởng vào sự thay đổi chính trị trong những lời hứa hẹn của Tổng thống Aquino. Tàu hải quân Mỹ và Philippines trong một cuộc tập trận chung mùa hè năm 2011, khi tình trạng bế tắc diễn ra ở bãi đá tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham gây căng thẳng khu vực. Hiện diện quân sự nhiều hơn của Mỹ được tính toán như một "cây gậy" của Philippines. Ảnh: US Navy Đối mặt với những kỳ vọng ngày càng gia tăng trong dân chúng, chính quyền Aquino đã nhanh tay khai thác sự năng động của nhân dân. Đồng thời, gia tăng niềm tự hào dân tộc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính trị đảm bảo quyền lợi của Philippines đối với nguồn năng lượng tiềm năng trong vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông. Bằng cách đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính quyền Tổng thống Aquino không chỉ nâng cao vị thế trong nước mà còn tránh được chỉ trích từ hàng triệu cư dân mạng tích cực tham gia hoạt động chính trị và có tinh thần dân tộc ngày càng cao. Chính sách này đi ngược lại với những gì bị cho là cứng nhắc và lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc của chính quyền cựu tổng thống Arroyo. Cây gậy và củ cà rốt Tuy nhiên, Manila đã đánh giá không đầy đủ sức mạnh dân tộc to lớn ngày càng dâng cao, sự quyết đoán trong tranh chấp lãnh thổ và sự bành trướng hải quân của Trung Quốc. Trái với kỳ vọng của Philippines, cả sự ràng buộc kinh tế giữa Trung Quốc và Đông Nam Á ngày càng gia tăng, lẫn sự chuyển giao quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình, đều không thể dẫn tới sự thay đổi về quan điểm giải quyết tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh. Manila cũng không thể lường trước quan ngại của Trung Quốc về sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực, ví dụ như Philippines. Sự hợp tác đó và những tuyên bố cứng rắn của Washington về tự do hàng hải trên Biển Đông đã gián tiếp khuyến khích Philippines đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ. Chỉ vài ngày sau khi cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ phản đối “bất kỳ một hành động đơn phương nào nhằm mục đích thách thức sự quản lý của Nhật Bản” với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Philippines đã kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông lên tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc. Philippines cũng nhận thức rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ bác đơn kiện về vấn đề chủ quyền lên bất kỳ tòa án trọng tài quốc tế nào, và cũng không có gì đảm bảo rằng tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ mang đến một giải pháp quyết định về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Theo khía cạnh này, Philippines muốn quốc tế hóa vấn đề tranh chấp, để tạo ra một bước chuyển biến mới trong việc tăng áp lực từ cộng đồng quốc tế lên những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ từ Bắc Kinh. Philippines cũng bác bỏ bản đồ “chín đoạn” đang gây tranh cãi mà Trung Quốc tự vẽ ra, bao trọn vùng biển đang tranh chấp. Một “cây gậy” khác trong chiến lược mới của Manila chính là xây dựng quân đội. Trong năm 2012, Aquino đã chi thêm 1,8 tỷ USD cho quốc phòng, phần lớn dùng để nâng cấp lực lượng vũ trang thông qua việc mua 10 máy bay trực thăng tấn công, hai trực thăng hải quân, hai máy bay hạng nhẹ, một tàu khu trục và các thiết bị phòng không. Chính phủ Philippines cũng mở rộng Đạo luật hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines 1995, hứa hẹn 15 năm đầu tư bền vững vào năng lực quốc phòng quốc gia. Theo hướng này, Philippines dự kiến mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 từ Hàn Quốc, 3 máy bay trực thăng AW109 Power , máy bay trực thăng chống tàu ngầm, một tàu chiến USCGC Dallas và có thể trang bị hệ thống tên lửa chống tàu Harpoon cho chiến hạm BRP Del Pilar cũng như tàu chiến BRP Alcaraz. Nhật Bản và Mỹ cũng ủng hộ Philippines phát triển khả năng “răn đe tối thiểu” trong quan hệ với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa hoàn tất gói viện trợ quân sự đầu tiên trong những năm gần đây, và Philippines chính là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ gói viện trợ này. Lực lượng cảnh sát biển Philippines trong năm tới sẽ được nhận 10 tàu đa chức năng dài 40m từ Nhật với nguồn vốn ưu đãi. Bên cạnh việc tăng gấp ba viện trợ quân sự cho Philippines vào năm 2012, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự tại đây thông qua các chuyến ghé thăm luân phiên của các tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân và nhân viên quân sự - một xu hướng được dự kiến sẽ tăng trong những năm tới theo chiến lược “xoay trục” trong quan hệ của Mỹ với châu Á. Khi Brunei đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, chiến lược của Philippines sẽ là sử dụng những cây gậy mới để thuyết phục Trung Quốc nắm lấy củ cà rốt - đó là cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương, đặc biệt là thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Nhưng với phản ứng bác bỏ đơn kiện về các vấn đề tranh chấp của Philippines, Bắc Kinh có thể đang coi chiến lược hai chiều mới của Manila “nhiều gậy hơn cà rốt” và đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn hơn. Hoàng Uyên (theo Asia Times)
|