Tranh chấp lãnh hải: Chỉ có thể giải quyết bằng lòng tự trọng quốc gia

    [Tintuc-hoangsatruongsa]

    TuanVietNam Thứ 7, 2/3/2013, 2:0 GMT+7
    Tranh chấp lãnh hải:
    Chỉ có thể giải quyết bằng lòng tự trọng quốc gia

    Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang thay đổi nguyên trạng; còn Nhật Bản thì khẳng định sẽ không lay chuyển trước hành động và lời lẽ của đối phương bởi không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây.

    Có một số nhân tố có thể làm dịu đi quan hệ Trung - Nhật trong giai đoạn trước mắt. Nhưng thực tiễn ngoại giao và chiến lược có vẻ sẽ vẫn không thay đổi nhiều. Liên tiếp các chuyến thăm ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Abe và Bộ trưởng ngoại giao nước này Fumio Kishida giữa tháng Giêng tới 7 quốc gia Đông Á cho thấy sức nóng trong quan hệ Bắc Kinh và Tokyo vẫn ở mức rất cao. Điều đó chẳng kém việc tuyên bố vào cuối tháng Giêng của Tokyo về việc thành lập Đội đặc nhiệm bảo vệ bờ biển với 12 tàu tăng cường và 600 quân nhân chuyên trách bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư làm bộc lộ rõ bản chất của những thách thức trong tương lai. Vấn đề ở đây là tình thế trong nước hiện nay khiến cho không bên nào có thể rút lui. Trung Quốc cho rằng Nhật Bản đang thay đổi nguyên trạng; còn Nhật Bản thì khẳng định sẽ không lay chuyển trước hành động và lời lẽ của đối phương bởi không tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây. Tất cả những điều này cho thấy cả hai bên vẫn tiếp tục bế tắc trong việc giải quyết các sự việc trên biển và trên không - những sự việc có thể khiến cho tình hình nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

    Để ngăn chặn điều đó xảy ra, rõ ràng cả hai bên cần phải làm sao để vừa duy trì lập trường quan điểm chính trị công khai vì những lý do bên trong, vừa cần phải từng bước cùng nhau xuống thang triển khai các tài sản hải quân và không quân. Để thực hiện được điều này cần một lộ trình được sự thống nhất của hai bên thông qua trung gian hoặc thông qua các kênh hỗ trợ của cả hai bên. Nếu như các cuộc đàm phán không hiệu quả (đã có vài bằng chứng cho thấy điều đó) hai bên sẽ phải cùng nhau bước tiếp. Nhật Bản không nên lắp đặt bất kỳ thiết bị nào hay đóng quân trên hòn đảo tranh chấp, như đang được thảo luận tại Tokyo, vì điều đó sẽ tạo cớ cho những hành động trả đũa của Bắc Kinh, nguy cơ dẫn tới một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn. Nếu các bước đi trên có thể được thực hiện và tình thế dần dần ổn định thì có lẽ về lâu dài, cần xem xét mời một tổ chức môi trường quốc tế thích hợp thực hiện trách nhiệm quản lý môi trường trên và xung quanh các hòn đảo, nơi mà theo thỏa thuận không chính thức thì tàu thuyền nhà nước không được đi qua.


    Ngược lại, những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông thậm chí còn phức tạp hơn. Theo các cơ quan Mỹ thì giới chức Trung Quốc khẳng định vùng biển này có trữ lượng dầu vào khoảng 213 tỷ thùng (gấp 10 lần nguồn dầu dự trữ của Mỹ, dù vậy các nhà khoa học Mỹ đang nghi ngờ về điều này) và 25 nghìn tỷ mét khối trữ lượng khí đốt (tương đương với tổng trữ lượng đã kiểm chứng của Qatar). Biển Đông cũng chiếm khoảng 10% sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm của thế giới. Đây cũng là khu vực chứng kiến nhiều hoạt động thăm dò tranh chấp quyết liệt về nguồn tài nguyên năng lượng dưới tại vùng biển sâu. Thủy sản là ngành có những cuộc đối đầu tranh chấp phức tạp giữ các tàu cá. Hơn nữa, không giống như Senkaku/Điếu Ngư, nhiều quần đảo trên biển Đông là nơi có dân sinh sống, quân đội đồn trú và nhiều căn cứ hải quân.

    Theo các nhà quan sát, sáu nước, cùng Đài Loan, đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này, dù tuyên bố chồng lấn lớn nhất cho tới nay vẫn là giữa Việt Nam và Trung Quốc.

    Quan hệ Việt - Trung ngày càng trở nên căng thẳng kể từ vụ tàu Trung Quốc cắt cáp địa chấn của tàu thăm dò Việt Nam hồi tháng 5/2011 và tái diễn hành động đó vào tháng 12/2012. Ấn Độ , đối tác của Việt Nam trong một vài cuộc thăm dò, tỏ ý sẽ xem xét việc cử tàu hải quân đến Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình. Trong khi đó, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cũng tuyên bố từ đầu năm 2013, các tàu hải giám của tỉnh này sẽ bắt đầu ngăn chặn, tìm kiếm và đẩy lùi tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vào "lãnh hải" của Trung Quốc , bao gồm cả khu vực tranh chấp hay thậm chí thuộc chủ quyền của nước khác trên thực tế. Những tuyên bố khác nhau liên quan đến những phương thức mới và đầy mâu thuẫn đối với việc ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài sẽ mở ra một giai đoạn đối đầu gay gắt trong năm tới.

    Nhằm tránh xung đột leo thang, hai nước nên ưu tiên phát triển và thống nhất một bộ quy tắc ứng xử đã được chờ đợi từ lâu giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

    Nhưng cũng có thể không biện pháp nào có hiệu quả. Chủ nghĩa dân tộc có thể thắng thế. Các nhà hoạch định chính sách chỉ có thể đơn giản là buông xuôi để mọi việc diễn ra theo cách của nó, giống như họ đã từng làm một thế kỷ trước. Trong cuốn sách mới đây của mình mang tên Những kẻ mộng du: Châu Âu đã đi đến chiến tranh vào năm 1914 như thế nào (The Sleepwalkers: How Europe Went to War in 1914), nhà sử học Christopher Clark đã giải thích chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của khu vực Balkan đã kết hợp chính trị nước lớn và "quốc gia thất bại" ở thời đại đó ra để rồi xảy ra một cuộc tàn sát quy mô lớn - Đại chiến Thế giới thứ nhất. Đây là khoảng thời gian mà sự toàn cầu hóa kinh tế thậm chí còn sâu sắc hơn ngày nay và là lúc các chính quyền ở Châu Âu cho đến tận năm 1914 vẫn quả quyết rằng chiến tranh Châu Âu là không có lợi cho ai và bởi vậy mà không thể diễn ra. Tác giả tin rằng một cuộc chiến tranh trên khắp Châu Á chắc chắn không xảy ra. Tuy nhiên, đối với những ai đang sống trong khu vực tranh chấp, đang phải đối mặt với các cuộc đối đầu ngày càng leo thang trên biển Hoa Đông và Biển Đông, thì câu chuyện Châu Âu vẫn là một bài học cảnh tỉnh quý báu.

    Trâm Anh theo ForeignPolicy

    Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt



    Posted by vietnamnet.vn on March 01, 2013 at 19:03:31:


    [Tintuc-hoangsatruongsa]