Thứ ba, 19/3/2013, 22:26 GMT+7 Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia hôm nay mạnh mẽ phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam và đưa tàu khảo sát nghề cá đến xâm phạm lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông. Bia chủ quyền trên đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Biengioilanhtho.gov.vn. Thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và đài truyền hình vệ tinh "Tam Sa"; cử Biên đội tàu Hải giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các tàu Hải giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này. Mới đây nhất, Trung Quốc cử tàu khảo sát khoa học nghề cá "Nam Phong" đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước những sự việc trên, ngày 19/3/2013, Bộ Ngoại giao một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo kể trên. "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các hoạt động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam", thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao dẫn lời đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia cho hay. "Việt Nam một lần nữa bác bỏ cái gọi là 'thành phố Tam Sa' và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không có hành động cản trở hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp của các tàu cá và ngư dân Việt Nam", thông cáo viết. Tàu "Nam Phong" là tàu khảo sát khoa học nghề cá có trọng tải lớn nhất của Trung Quốc vừa đến vùng biển Trường Sa của Việt Nam để thực hiện cái gọi là "điều tra tài nguyên nghề cá". Tàu này do Trung Quốc tự chế tạo, được trang bị các thiết bị tiên tiến như hệ thống định vị dưới nước, có thể lặn sâu tới 1.500 mét để thăm dò đáy biển và thông tin chi tiết về đàn cá như số lượng, chủng loại, kích cỡ. Theo truyền thông Trung Quốc, sự hiện hiện của tàu khảo sát "Nam Phong" đánh dấu việc Trung Quốc đã khởi động đợt điều tra mới về tài nguyên nghề cá ở vùng biển Trường Sa trên Biển Đông. Vũ Hà
|